Nâng cao hiểu biết về pháp luật sở tại cho người Việt tại Macau

Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam ở nước ngoài tại Macau cho biết trở ngại lớn nhất của người Việt Nam khi lao động tại Macau là bất đồng ngôn ngữ... dẫn đến gặp trở ngại khó khăn trong công việc.

Các đại biểu tham dự hoạt động tuyên truyền pháp luật và phòng chống tội phạm cho người lao động Đông Nam Á. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhằm tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật cho người lao động Đông Nam Á, ngày 10/11 tại Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc), Liên minh quần chúng xây dựng Macau đã phối hợp với các cơ quan như Cục Cảnh sát, Cục Lao động, Cục Y tế, Cục Phòng cháy chữa cháy, Cục Dân chính, Hiệp hội Môi giới việc làm của Macau, Hiệp hội các nước tại Macau, trong đó chủ yếu là Hiệp hội người Việt Nam ở nước ngoài tại Macau, tổ chức hoạt động tuyên truyền pháp luật và phòng chống tội phạm, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về pháp luật sở tại cho người lao động Đông Nam Á nói chung và người lao động Việt Nam nói riêng.

Phát biểu tại sự kiện, ông Hứa Long Thông, Phó Chủ tịch Liên minh quần chúng xây dựng Macau cho biết hiện Macau có hơn 180.000 lao động nước ngoài, trong đó có khoảng 60.000 lao động đến từ Đông Nam Á, lấp đầy khoảng trống về nhân lực địa phương và đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Macau.

Tuy nhiên, một mặt, do các yếu tố như rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, người lao động Đông Nam Á gặp nhiều khó khăn trong việc tương tác với người dân địa phương, thích nghi với môi trường làm việc và trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, một số người có thể thiếu hiểu biết về pháp luật địa phương, chưa hiểu hết quyền lợi và trách nhiệm.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Hong Kong và Macau, chị Đinh Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam ở nước ngoài tại Macau cho biết trở ngại lớn nhất của người Việt Nam khi lao động tại Macau là bất đồng ngôn ngữ, sự khác biệt về đời sống, phong tục tập quán... dẫn đến gặp trở ngại khó khăn trong công việc.

Hằng năm, phía Macau đều tổ chức truyên truyền về luật pháp của sở tại theo hình thức rộng rãi đến bà con người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Macau. Ngoài ra, Hiệp hội cũng thường xuyên tham gia các hoạt động của chính quyền Macau để bà con được giao lưu trao đổi văn hoá với sở tại và các nước bạn.

Ông Dương Trung Đức (thứ 2, phải), Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam ở nước ngoài tại Macau dự sự kiện. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Âu Dương Quảng Cầu, Hội trưởng Hiệp hội Môi giới việc làm của Macau cho biết số người Việt Nam làm giúp việc gia đình chiếm phần đông trong số lao động của Việt Nam tại Macau. Người lao động Việt Nam chịu thương chịu khó và sẵn sàng làm thêm giờ.

Tuy nhiên, người giúp việc Việt Nam thường gặp khó khăn trong giao tiếp với chủ do rào cản ngôn ngữ, nhất là đối với người lao động trên 60 tuổi, do đó mất một thời gian dài mới hòa nhập với văn hóa của sở tại. Vì vậy, chính quyền và các đoàn thể tại Macau thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền để người lao động hiểu về luật pháp Macau, tạo thuận lợi cho người lao động làm việc.

Chị Đoàn Thị Thu Huyền, nhân viên cảnh sát trại giam Macau, chia sẻ người lao động Việt Nam được dân sở tại đánh giá cao về chăm chỉ và ham học hỏi.

Theo chị Huyền, phía Việt Nam nên mở lớp đào tạo thêm về luật lao động, ngôn ngữ văn hóa luật pháp của Macau để người lao động khi tới Macau hiểu biết hơn về nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động tại Macau và hỗ trợ cho công việc được tốt hơn.

Năm nay là năm thứ 9 Liên minh quần chúng xây dựng Macau tiếp tục phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức hoạt động nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động Đông Nam Á.

Thông qua hoạt động này, đơn vị tổ chức hy vọng có thể nâng cao nhận thức pháp luật của người lao động Đông Nam Á, hiểu rõ hơn về xã hội Macau, hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng và được sự quan tâm tương ứng, nâng cao hơn nữa ý thức hiểu biết, tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi của chính mình để thúc đẩy hòa nhập xã hội.

Theo số liệu thống kê, hiện nay có khoảng 9000 người Việt đang sinh sống, làm ăn và học tập tại Macau, trong đó đa phần là các chị em làm giúp việc gia đình và các lao động làm việc trong các nhà hàng, khách sạn.

Bà con người Việt được chính quyền sở tại đánh giá cao về lối sống đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau, giữ gìn nét đẹp truyền thống và tuân thủ luật pháp nước sở tại.

Ngoài tham gia lắng nghe phổ biến kiến thức về pháp luật, Hiệp hội người Việt Nam tại Macau và nhiều hiệp hội đến từ Philippines, Indonesia, Nepal, Myanmar còn đóng góp nhiều tiết văn nghệ đặc sắc, làm phong phú thêm hoạt động của ngày tuyên truyền pháp luật./.