Nạn trộm cắp ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của ngành bán lẻ Mỹ
Tại Mỹ, tỷ lệ hao hụt hàng tồn kho trung bình đã tăng lên 1,6% trong tài khóa 2022 so với mức 1,4% của năm 2021.
Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) cho biết vấn nạn trộm cắp, biển thủ, bạo lực và tội phạm đã gây thiệt hại 112,1 tỷ USD cho ngành bán lẻ Mỹ vào năm 2022.
Nhân “Ngày chống tội phạm trong lĩnh vực bán lẻ” (26/10), NRF đã công bố báo cáo Khảo sát Bán lẻ quốc gia 2023, bao gồm thông tin chi tiết của 177 thương hiệu bán lẻ, chiếm tới 1.600 tỷ USD doanh thu bán lẻ hằng năm trong năm 2022 và đại diện hơn 97.000 địa điểm bán lẻ trên khắp nước Mỹ.
[Các vụ phá sản lớn nhất của ngành bán lẻ Mỹ trong 5 năm qua]
Kết quả cho thấy tỷ lệ hao hụt hàng tồn kho trung bình, thước đo tổn thất các nhà bán lẻ tính toán trong khoảng thời gian cụ thể, đã tăng lên 1,6% trong tài khóa 2022 so với mức 1,4% của năm 2021.
Trộm cắp chiếm khoảng 66,6% hao hụt trong lĩnh vực bán lẻ, thậm chí là hơn 70% tổng mức thiệt hại ở một số ngành cụ thể.
Los Angeles đứng đầu danh sách các thành phố và khu đô thị chịu ảnh hưởng nặng nhất của nạn trộm cắp có tổ chức nhằm vào lĩnh vực bán lẻ, theo sau là San Francisco/Oakland và Houston.
Phó Chủ tịch phụ trách bảo vệ tài sản và hoạt động bán lẻ của NRF David Johnston cho biết các nhà bán lẻ đang chứng kiến mức độ trộm cắp chưa từng có, tội phạm xuất hiện tràn lan trong cửa hàng và tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh tác động tài chính, tất cả các cơ sở bán lẻ, bất chấp quy mô hay lĩnh vực hoạt động, đều đặt ưu tiên hàng đầu cho các mối quan ngại về an ninh và vấn đề bạo lực.
Theo báo cáo của NRF, bán lẻ là khu vực sử dụng lao động tư nhân lớn nhất nước Mỹ, đóng góp tới 3.900 tỷ USD vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm và hỗ trợ 25% số việc làm hiện nay, tương đương 53 triệu nhân viên đang làm việc ở Mỹ./.