Nam Sudan thông báo kéo dài nhiệm kỳ của chính phủ chuyển tiếp

Quyết định kéo dài nhiệm kỳ được đưa ra "nhằm giải quyết các thách thức đang cản trở việc thực thi thỏa thuận hòa bình" năm 2018 - văn kiện đã chấm dứt 5 năm nội chiến làm 400.000 người thiệt mạng.

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir (trái) và lãnh đạo phe đối lập Riek Machar tại lễ ký thỏa thuận hòa bình ở Juba, ngày 3/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo của Nam Sudan ngày 4/8 thông báo chính phủ chuyển tiếp ở nước này sẽ tiếp tục nắm quyền thêm hai năm nữa sau hạn chót đã được nhất trí.

Bộ trưởng các vấn đề nội các Martin Elia Lomuro cho biết quyết định trên được đưa ra "nhằm giải quyết các thách thức đang cản trở việc thực thi thỏa thuận hòa bình" năm 2018 - văn kiện đã chấm dứt 5 năm nội chiến làm gần 400.000 người thiệt mạng.

Phát biểu trước sự chứng kiến của Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar, Bộ trưởng Lomuro nêu rõ: "Một lộ trình mới đã được nhất trí."

Nam Sudan dự kiến kết thúc giai đoạn chuyển tiếp bằng cuộc tổng tuyển cử vào tháng 2/2023, song chính phủ chuyển tiếp đến nay vẫn chưa thực hiện được những điều khoản quan trọng trong thỏa thuận hòa bình, trong đó có việc soạn thảo hiến pháp.

[LHQ cảnh báo sắp hết thời gian cho thỏa thuận hòa bình Nam Sudan]

Nhóm ba nước gồm Mỹ, Anh và Na Uy đã phản đối thông báo mới nói trên, chỉ ra rằng chính phủ chuyển tiếp tại Nam Sudan đã không tham vấn tất cả các bên tham gia thỏa thuận năm 2018 trước khi thông báo gia hạn.

Trong bức thư gửi tới Tổng thống Salva Kiir, ba quốc gia trên cho biết: "Chúng tôi không thể đảm bảo là sẽ hỗ trợ một lộ trình hoặc gia hạn trong bối cảnh này."

Tháng trước, Mỹ đã rút khỏi hai tổ chức giám sát tiến trình hòa bình tại Nam Sudan do nước này không đáp ứng các mốc cải cách đề ra.

Sau những lần trì hoãn kéo dài, Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar đã ký thỏa thuận thành lập một lực lượng vũ trang thống nhất vào tháng Tư. Đây cũng là một điều khoản chính trong thỏa thuận hòa bình.

Nam Sudan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới dù có trữ lượng lớn dầu mỏ, đã phải trải qua chiến tranh, thiên tai, nạn đói, bạo lực sắc tộc và đấu đá chính trị từ khi giành độc lập năm 2011.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo hồi tháng Ba rằng hơn 70% trong số 11 triệu dân nước này sẽ phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng trong năm nay vì thiên tai và bạo lực./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)