Nấm phổi là căn bệnh có chi phí điều trị và tỷ lệ tử vong rất cao
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 15.000 ca nấm phổi xâm lấn; 55.000 ca nấm phổi mãn tính do Aspergillus nhưng mới chỉ khoảng 1/1.000 ca mắc được phát hiện bệnh nên tỷ lệ tử vong rất cao.
Tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Những thách thức trong chẩn đoán và điều trị nấm phổi,” do Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức ngày 1/2/2024, tại Hà Nội, Tiến sỹ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết ngày 1/2 được coi là “Ngày Phòng chống bệnh Nấm Aspergillosis toàn cầu-World Aspergillosis Day.”
Vào ngày này, mọi người trên khắp thế giới tập trung tìm hiểu về Aspergillosis, một bệnh nhiễm trùng ít được biết đến, chia sẻ kiến thức với hy vọng nâng cao nhận thức trong hệ thống y tế và người dân để phát hiện, điều trị, ngăn ngừa tử vong do nấm và thúc đẩy các sáng kiến điều trị, nghiên cứu.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng hơn 2 triệu người tử vong do các bệnh nấm và gây ra bệnh lâu dài cho hàng trăm triệu người. Sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ bệnh nhân mắc nấm phổi phải nhập viện gia tăng đáng kể.
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 15.000 ca nấm phổi xâm lấn; 55.000 ca nấm phổi mãn tính do Aspergillus. Tuy nhiên, mới chỉ khoảng 1/1.000 ca mắc được phát hiện bệnh. Tỷ lệ tử vong do mắc nấm phổi xâm lấn rất cao, dao động 30-80%, đặc biệt nếu không được điều trị 100% bệnh nhân sẽ tử vong. Với nấm phổi mãn tính do Aspergillus, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, sau 5 năm, tỷ lệ tử vong là khoảng 50%.
“Tuy tỷ lệ bệnh nấm phổi chỉ chiếm 0,02% các bệnh phổi. Tuy nhiên, khi bị nấm phổi, chi phí điều trị rất cao, bệnh chưa lại được bảo hiểm y tế thanh toán. Đặc biệt nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong rất cao. Chi phí điều trị một ca nấm phổi rất lớn, có ca nặng phải gánh chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Vì thế, vai trò bảo hiểm y tế lớn trong thanh toán cho người bệnh nấm phổi được điều trị, tránh bỏ sót ngoài cộng đồng,” Giám đốc Đinh Văn Lượng nhấn mạnh.
Hội thảo “Những thách thức trong chẩn đoán và điều trị nấm phổi” được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, thu hút khoảng 1.000 đại biểu. Các chuyên gia y tế đầu ngành trong nước và quốc tế cho biết, trên thế giới, tỷ lệ sống của bệnh nhân sau 1 năm, 5 năm, 10 năm tương ứng là 86%, 62%, 47%. Tỷ lệ mắc nấm phổi mạn tính ở bệnh nhân lao mới là 14% và lao đã điều trị 56%. Nhiều quốc gia không đủ nguồn lực để chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh nấm phổi là do các loại nấm: Candida, Aspergillus, Cryptococcus; trong đó, hay gặp nhất là loại Aspergillus.
Bệnh phổi do nấm Aspergillus gây ra 3 nhóm bệnh: nấm phổi xâm lấn, nấm phổi mạn tính và dị ứng phế quản phổi do nấm.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết, bệnh nấm phổi hay gặp nhất là do nấm Aspergillus. Đây là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi một loại nấm mốc rất phổ biến và có mặt ở trong nhà và ngoài môi trường.
“Mặc dù mọi người thường hít phải loại nấm này từ không khí, nhưng loại nấm này chỉ ảnh hưởng đến những người người có hệ miễn dịch suy giảm nặng như bệnh nhân ung thư máu, ung thư các cơ quan khác, sau cấy ghép tạng hoặc điều trị các thuốc ức chế miễn dịch dài ngày. Loại nấm này có thể gây bệnh ở những người đã/đang có bệnh tại phổi, chẳng hạn như những bệnh nhân đã từng mắc lao phổi, hen suyễn hay xơ nang phổi... Bệnh nấm Aspergillus có thể điều trị được bằng các thuốc kháng nấm,” Tiến sỹ Ngọc cho hay.
Hàng năm, toàn thế giới khoảng 1/2 triệu người tử vong do bệnh này. Hầu hết bệnh nhân thường đến khám vì ho ra máu kéo dài không rõ lý do, sốt kéo dài kèm đau ngực, ho khạc đờm kéo dài kèm khó thở như hen. Cùng với đó là các trường hợp chẩn đoán viêm phổi điều trị kháng sinh kéo dài không khỏi. Những trường hợp được phát hiện và điều trị sớm có thể điều trị khỏi bằng các thuốc kháng nấm.
Một phần lớn các trường hợp chẩn đoán và điều trị muộn cần phải phẫu thuật, nút mạch cầm máu song song với việc điều trị thuốc nấm kéo dài. Những trường hợp này, nguy cơ tử vong cao trước và sau phẫu thuật. Những trường hợp muộn khác có thể biểu hiện bằng tình trạng suy mòn, khó thở nhập viện thường xuyên vì các tình trạng nhiễm khuẩn phổi.
Bệnh nấm phổi nếu kéo dài không được điều trị, các bào tử nấm sẽ lan tràn và gây bệnh cơ quan khác như nấm não-màng não, tổn thương da, viêm cơ, viêm nội nhãn… thậm chí là nhiễm nấm huyết. Bệnh nhân sẽ chết do nhiễm trùng, nhiễm độc, suy kiệt hoặc biến chứng nặng nề như ho ra máu ồ ạt…
Để phòng ngừa mắc nấm phổi, Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý người dân nên tránh tiếp xúc với môi trường nấm mốc; giữ gìn vệ sinh môi trường sống; tăng cường sức đề kháng; sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ và thực hiện khám bệnh định kỳ nếu có bệnh lý phổi nền./.