Năm học 2024-2025: Thực hiện giáo dục STEM ở tất cả các trường tiểu học
Triển khai đại trà giáo dục STEM ở các trường tiểu học, kiên quyết không để xảy ra tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" là những điểm đáng chú ý trong nhiệm vụ của giáo dục tiểu học năm học 2024-2025.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn số 3898/BGDĐT-GDTH gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025.
Triển khai đại trà giáo dục STEM
Theo công văn trên, một trong các nhiệm vụ của giáo dục tiểu học trong năm học sắp tới là triển khai đại trà giáo dục STEM. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện giáo dục STEM đến tất cả các cơ sở giáo dục cấp tiểu học trên địa bàn đảm bảo chất lượng và yêu cầu theo quy định.
Để thực hiện yêu cầu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo chú trọng công tác tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức hội nghị chuyên đề, đánh giá, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm đảm bảo triển khai thực hiện giáo dục STEM tại các cơ sở giáo dục đạt chất lượng, hiệu quả và thiết thực.
Các sở cũng cần tăng cường tham mưu uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cấp huyện quan tâm bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện hiệu quả giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định; thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh về vai trò của giáo dục STEM.
Trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương cần hướng dẫn giáo dục giáo viên sử dụng hiệu quả nguồn học liệu tại địa chỉ website http://stemtieuhoc.edu.vn và tổ chức lựa chọn tài liệu, các nguồn học liệu khác theo quy định.
Trước đó, trong năm học 2022-2023, giáo dục STEM ở bậc tiểu học được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm ở 7 tỉnh, thành Lào Cai, Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ và Đồng Tháp. Năm học 2023-2024, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong đưa STEM vào tất cả các trường học trên địa bàn.
Kiên quyết không để học sinh "ngồi nhầm lớp"
Cũng tại công văn trên, nhiệm vụ chung được đề ra với giáo dục tiểu học là thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông; tăng cường bảo đảm an toàn trường học; phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện kế hoạch năm học theo quy định và phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
Cụ thể, về việc kiểm tra, đánh giá học sinh, phương pháp, hình thức đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh. Đặc biệt, kiên quyết không để học sinh “ngồi nhầm lớp”; thực hiện khen thưởng học sinh thực chất, đúng quy định, tránh khen tràn lan gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp, có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học, hoạt động giáo dục, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Đối với việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; thực hiện kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần. Thời khóa biểu cần được sắp xếp một cách khoa học, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh Tiểu học.
Các nhà trường khi tổ chức bán trú cần có sự thống nhất, tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh và theo các quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý. Việc tổ chức ăn trưa, bán trú phải bảo đảm các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo đảm dinh dưỡng, sức khoẻ cho học sinh.
Khuyến khích xã hội hóa trong dạy ngoại ngữ
Hướng dẫn về việc tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các nhà trường khi tổ chức dạy học tự chọn Ngoại ngữ 1 đối với lớp 1 và lớp 2, cần chú ý bảo đảm tính liên thông với môn Ngoại ngữ thực hiện bắt buộc từ lớp 3. Thời lượng dạy học phù hợp với hình thức học làm quen ban đầu, không gây quá tải cho học sinh.
Đối với lớp 3, 4 và 5, các trường triển khai giải pháp để tổ chức dạy học môn Ngoại ngữ 1 bắt buộc; triển khai sử dụng hệ thống học liệu tiếng Anh trên máy tính và trực tuyến cấp Tiểu học bảo đảm chất lượng, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng đáp ứng của địa phương.
Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học ngoại ngữ để tăng cường thời lượng học; dạy học ngoại ngữ qua các chủ đề Toán và Khoa học; dạy học một số môn học bằng tiếng nước ngoài. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hành ngoại ngữ qua các hoạt động như đọc truyện, hoạt động trải nghiệm, tạo môi trường ngoại ngữ ngoài lớp học, các sân chơi, giao lưu cho học sinh./.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích các địa phương có điều kiện triển khai chương trình giáo dục tích hợp, áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học. Tuy nhiên, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động rà soát các điều kiện đảm bảo triển khai liên kết giáo dục và chương trình giáo dục tích hợp theo đúng quy định. Kiên quyết không để các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện liên kết giáo dục với nước ngoài khi chưa đảm bảo điều kiện triển khai./.