Năm 2025: Thời cơ vàng cho sự bứt phá phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam
Tổng bí thư Tô Lâm chỉ đạo, 2025 là năm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8%, và là năm bản lề để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, và là năm khởi đầu cho kế hoạch giai đoạn mới.
Như Tổng bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, "Đây đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc."
Ngay từ đầu năm 2025, những thông điệp năm mới của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho quyết tâm đổi mới, nỗ lực hành động quyết liệt, tạo điểm tựa thể chế để có thể đẩy mạnh thế và lực của cả đất nước.
Có thể thấy, với sự tiên phong nói đi đôi với làm của một "Chính phủ hành động"; từ các cuộc họp "không kể ngày đêm," những quyết sách rõ ràng và quyết đoán đã và đang mang lại niềm tin, tinh thần đoàn kết của cả hệ thống chính trị để thực hiện cuộc cách mạng thể chế.
Chính phủ đã thống nhất chủ đề điều hành "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá" cho năm 2025. Trên tinh thần này, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương vào sáng 8/1 tạo hào khí, khí thế ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm nỗ lực hoàn thành cao nhất kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Đây cũng là thời điểm cả nước đang tập trung ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực để triển khai đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, định hướng kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ, các tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng "Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả."
Tính đến nay, trung bình các cơ quan của Chính phủ giảm khoảng 30% đầu mối bên trong, có nơi giảm tới 50%, trên cơ sở đó cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức.
Việc thu gọn bộ máy giúp giảm biên chế, giảm chi thường xuyên hiện đang chiếm khoảng 68% tổng chi ngân sách và tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan bộ ngành.
Có thể khẳng định, những nỗ lực sắp xếp tổ chức bộ máy cùng với những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô sẽ góp phần tạo ra một nền tảng vững chắc, gia tăng sức mạnh, nguồn lực cho đất nước.
Một trong những nền tảng tạo đà quan trọng cho năm 2025 chính là những kết quả mà năm 2024 đã đạt được. Đó là: tình hình kinh tế xã hội năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 12/15 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Kết quả tăng trưởng GDP đã giúp nâng quy mô và xếp hạng GDP của Việt Nam, tăng thu nhập bình quân đầu người và tăng năng suất lao động...
Một điểm nổi bật khác là chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143 quốc gia, vùng lãnh thổ (theo Liên Hợp Quốc đánh giá). Những kết quả này là minh chứng cho nỗ lực vượt bậc của chúng ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin, hy vọng để đạt được kết quả cao hơn, tăng cường tính tự chủ trong năm 2025 và giai đoạn tới.
Từ nền tảng vững chắc của năm 2024, Tổng Bí thư yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là mục tiêu then chốt để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, ổn định quán triệt phương châm "phát triển để ổn định-ổn định để phát triển."
Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, coi trọng chất lượng tăng trưởng và phấn đấu tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, Tổng Bí thư yêu cầu, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, cần đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế "xin-cho" và tư duy bao cấp.
Trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, "Năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, chúng ta phải rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả 5 năm để phát huy, làm tốt hơn với những chỉ tiêu đã đạt và vượt; nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt để phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch 5 năm 2021-2025."
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung quán triệt phương châm "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá," thực hiện đúng quan điểm "Đảng lãnh đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi, làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đó."
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025. Đó là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn, Chính phủ sẽ rà soát, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương.
Xây dựng các kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đồng thời tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, tiên tiến; Xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân (phấn đấu khu vực này đóng góp khoảng 65-70% GDP).
Cùng với đó, triển khai hiệu quả tổng kết Nghị quyết số 18; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả"; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, "đột phá của đột phá", "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh" để giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao năng suất lao động. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Niềm tin ngày càng được thắp lửa toả sáng, đường đi đã rõ, sự chung sức đồng lòng của Chính phủ, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân… sẽ đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc. /.