Năm 2024: Ngành Tài chính chuẩn bị thế và lực cho giai đoạn tiếp theo
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng ngành Tài chính sẽ kế thừa các kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2024
Nhận định năm 2024, bên cạnh cơ hội và thời cơ sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2023 và triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2024, ngày 27/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh điều này đòi hỏi ngành Tài chính không được chủ quan với những kết quả đạt được, mà phải tiếp tục quyết tâm, nỗ lực và cố gắng phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất, hướng tới vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024 đã được Trung ương, Quốc hội thông qua.
Thúc đẩy phục hồi và phát triển
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện sắp ban hành, bám sát phương châm hành động của Chính phủ và tình hình thực tiễn, triển khai thực hiện ngay kế hoạch, chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm mới. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan chức năng ở trung ương, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phù hợp. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra.
Trong đó, Phó Thủ tướng nêu rõ vào tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính-ngân sách Nhà nước, đẩy nhanh xây dựng Chính phủ Số. Các đề án, văn bản pháp quy được giao (theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Chính phủ) phấn đấu hoàn thành tất cả. Bên cạnh đó, ngành Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và quy định có liên quan để mở rộng cơ sở thu, các hoạt động thương mại điện tử, khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai, cơ sở hạ tầng. Các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí đưa ra phù hợp với tình hình thực tế để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiết giảm chi phí cho sản xuất-kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước
Kết quả thu ngân sách Nhà nước trong năm 2023 đạt 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán. Theo Phó Thủ tướng đây là kết quả rất tích cực trong bối cảnh đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng. Có được kết quả này, Phó Thủ tướng cho rằng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Tài chính, phấn đấu thu đạt mức cao nhất, góp phần đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán, dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh, tăng chi cho đầu tư phát triển.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước trong năm tiếp theo, nhằm đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Cụ thể, ngành rà soát, nắm chắc nguồn thu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu, mở rộng cơ sở thuế cả về đối tượng và địa bàn, nhất là lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí. Ngoài ra, ngành cần nghiên cứu, áp dụng các giải pháp, công cụ phân tích dữ liệu phù hợp để quản lý rủi ro, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo, gian lận về hóa đơn. Để làm được những điều này, ngành Tài chính phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế tiết giảm hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế, quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử. Các đơn vị trong ngành quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế, phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngành Tài chính cần tổ chức điều hành chi ngân sách Nhà nước năm 2024 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Bội chi ngân sách Nhà nước kiểm soát trong phạm vi Quốc hội quyết định và phấn đấu thấp hơn. Điều này góp phần vào giảm nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính quốc gia. Đây là cơ sở để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.
Bình ổn giá cả thị trường
Đối với quản lý giá cả thị trường, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nguyên nhiên phụ liệu đầu vào, kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung-cầu, bình ổn giá cả thị trường. Nhất là giá các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng xăng dầu, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết Nguyên đán sắp tới. Mặt khác, ngành Tài chính tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm.
Cùng với đó, các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm cần tăng cường quản lý, giám sát, có giải pháp dự báo và kiểm soát tốt dòng tiền. Điều này giúp đảm bảo phát triển ổn định, bền vững thị trường, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn. Hơn nữa, chất lượng hàng hóa trên thị trường và hiệu quả hoạt động của các thành viên thị trường cần được nâng cao. Cơ sở nhà đầu tư cần đa dạng hóa nhằm hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư có tổ chức.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh ngành Tài chính siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tăng cường và công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách Nhà nước, quản lý-sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên. Cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính tiếp tục đẩy mạnh. Cùng với đó, hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế cần đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại...
Mặc dù khó khăn thách thức còn nhiều, song Phó Thủ tướng tin tưởng với quyết tâm cao, phát huy truyền thống, đoàn kết, ngành Tài chính sẽ tiếp tục kế thừa các kết quả đạt được năm 2023, nghiên cứu để có những giải pháp đột phá, sáng tạo để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2024. Kết quả này sẽ tạo tiền đề để phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính quốc gia 5 năm (giai đoạn 2021-2025) và chuẩn bị thế và lực để tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tiếp theo./.