Nấc thang mới trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung
Trước những cảnh báo của Trung Quốc thực hiện biện pháp cần thiết để bảo vệ các doanh nghiệp nước này, một số công ty Mỹ đang tích trữ linh kiện, trì hoãn kế hoạch mở rộng hoạt động.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trở nên nóng hơn trước những cảnh báo mới đây từ phía Trung Quốc.
Trước tình hình này, một số công ty Mỹ đang tích trữ linh kiện và trì hoãn các kế hoạch mở rộng hoạt động.
Căng thẳng leo thang
Ngày 25/8, Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ trích quyết định của Mỹ về việc đưa nhiều thực thể Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.
Trung Quốc phản ứng mạnh sau khi vào ngày 23/8, Mỹ đã thêm 42 doanh nghiệp Trung Quốc, 63 doanh nghiệp Nga và 18 doanh nghiệp của các nước khác vào danh sách hạn chế thương mại do lo ngại về sự liên quan của những doanh nghiệp này tới các hoạt động ở Nga.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết động thái này là hành động điển hình của các biện pháp trừng phạt đơn phương, làm suy yếu trật tự và quy tắc thương mại quốc tế, cản trở trao đổi kinh tế và thương mại quốc tế bình thường, đồng thời ảnh hưởng đến an ninh và ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh phía Mỹ cần ngay lập tức chấm dứt những hành động sai trái, khẳng định Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trước đó, đầu tháng Bảy, Mỹ đã bổ sung 6 công ty vào Danh sách hạn chế thương mại, trong đó có 4 công ty có liên quan đến hoạt động huấn luyện quân sự của Trung Quốc.
Đầu tháng Năm, Mỹ cũng đã bổ sung 37 công ty Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại viện dẫn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Theo Thứ trưởng Thương mại phụ trách công nghiệp và an ninh Mỹ Alan Estevez, việc cập nhật danh sách hạn chế là một bước đi quan trọng trước những thách thức đặt ra do các công ty Trung Quốc tiếp cận các công nghệ của Mỹ có thể được sử dụng theo cách làm tổn hại đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Việc Mỹ công bố danh sách bổ sung nêu trên khiến các nhà cung cấp Mỹ gặp khó khăn hơn trong hoạt động giao dịch với các công ty trong danh sách hạn chế. Theo quy định, các nhà cung ứng của Mỹ sẽ phải xin được giấy phép để có thể bán hàng cho những doanh nghiệp nằm trong "danh sách đen" nói trên.
Không chỉ sử dụng danh sách hạn chế thương mại, Mỹ còn áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trị giá 18 tỷ USD, nhằm ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường Mỹ.
Cùng với việc tăng thuế từ 25% lên 100% đối với xe điện, chính quyền Mỹ cũng sẽ tăng thuế từ 7,5% lên 25% đối với pin lithium, từ 0 lên 25% đối với các khoáng sản quan trọng, từ 25% lên 50% đối với pin Mặt Trời và chất bán dẫn. Thuế nhập khẩu đối với thép, nhôm và thiết bị bảo hộ cá nhân từ Trung Quốc - vốn dao động từ 0 đến 7,5% - cũng sẽ tăng lên 25%.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 322 tỷ USD. Các nhà phân tích cảnh báo các biện pháp siết chặt của Mỹ đối với doanh nghiệp Trung Quốc sẽ làm tổn hại đến các cuộc đối thoại song phương và kim ngạch thương mại giữa hai nước.
Doanh nghiệp chuyển sang thế phòng thủ
Trước viễn cảnh Mỹ gia tăng áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, một số công ty Mỹ đang tích trữ linh kiện và trì hoãn các kế hoạch mở rộng.
Nếu không xảy ra căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, công ty chuyên cung cấp giải pháp về biển hiệu và quảng cáo Easy Signs có thể đã tuyển hàng chục công nhân mới tại nhà máy ở Allentown, Pennsylvania.
Công ty này đang chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng một nhà máy thứ hai ở miền Tây và tạo thêm 100 việc làm nữa.Doanh thu của Easy Signs tại Mỹ đã tăng trưởng 70% mỗi năm.
Tuy nhiên, công ty này đang trì hoãn việc mở rộng, khi chi phí của các linh kiện nhập khẩu có thể tăng thêm nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và thực hiện cam kết áp thuế 60% hoặc hơn đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc, 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu.
Trong các cuộc phỏng vấn với khoảng 20 nhà sản xuất, bán lẻ và đại lý vận chuyển của Mỹ, nhiều đơn vị cho biết họ đang tạm dừng các khoản đầu tư và mở rộng kinh doanh do sự thiếu chắc chắn về thuế quan đối với các sản phẩm và linh kiện nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Ông Mandeep Singh, nhà sáng lập Via Indigos, đơn vị chuyên kết nối các nhà máy Mỹ với các nhà cung cấp ở Ấn Độ, cho rằng bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng.
Khi thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc gây sức ép lên các nhà sản xuất và nhà bán lẻ, họ sẽ chuyển sang sản xuất tại các quốc gia có mức lương thấp khác như Mexico, Ấn Độ.
Theo phân tích gần đây của Project44, một công ty cung cấp công nghệ quản lý chuỗi cung ứng, để ứng phó, một số doanh nghiệp đang tích trữ hàng hóa bằng cách tăng cường nhập khẩu. Trong tháng Sáu và tháng Bảy - thời kỳ cao điểm mà các nhà bán lẻ tích trữ hàng hóa cho mùa lễ hội cuối năm - khối lượng vận chuyển bằng đường biển từ Trung Quốc đến Mỹ đã tăng hơn 4% so với năm trước.
Trong khi đó, ông Sam Shackleton, ông chủ của doanh nghiệp chuyên về thương mại điện tử Cross Path Capital, cho biết ông sẽ giữ tâm lý chờ đợi, khi doanh nghiệp của ông phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm trang trí nhà cửa và thiết kế vườn mà ông đăng bán trên Amazon.
Ông Shackleton đã xem xét tìm nhà cung cấp ở các quốc gia khác nhưng vẫn giữ mối liên hệ với Trung Quốc vì nước này cung cấp hàng hóa chất lượng cao, với giá thành thấp.
Về phần mình, các công ty Trung Quốc đã xây dựng các nhà máy ở Mexico, tận dụng Hiệp định thương mại Mỹ-Canada-Mexico (USMCA) để đưa hàng hóa tiếp cận thị trường Mỹ./.