Mỹ và các đối tác châu Mỹ thúc đẩy 'con đường thương mại'
“Con đường thương mại” sẽ giúp các nước thành viên phát triển các cách tiếp cận “toàn diện và bền vững” nhằm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế ở Tây Bán cầu.
Theo trang insidetrade.com ngày 5/11, Mỹ và các nước Đối tác châu Mỹ vì thịnh vượng kinh tế (APEP) đã công bố kế hoạch mới cho “con đường thương mại” của quan hệ đối tác.
Trước đó, ngày 3/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời các nguyên thủ quốc gia và các quan chức cấp cao của APEP tới Nhà Trắng để tham dự lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo APEP. Đây là cuộc họp đối tác lớn đầu tiên kể từ khi ra mắt vào tháng 1/2023.
Đại diện của 11 quốc gia thành viên khác của APEP, bao gồm Barbados, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Mexico, Panama, Peru và Uruguay đã tham dự để thảo luận về hội nhập kinh tế, di cư và các vấn đề khác.
“Con đường thương mại” trong bản sửa đổi Hiệp định Đối tác vì sự thịnh vượng kinh tế của Mỹ được công bố hôm 3/11 sẽ giúp các nước thành viên phát triển các cách tiếp cận “toàn diện và bền vững” nhằm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế ở Tây Bán cầu.
[Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen: Kinh tế Mỹ đang hạ cánh mềm]
Thương mại, cùng với tài chính và đối ngoại sẽ củng cố nền tảng cho khả năng cạnh tranh khu vực của Tây Bán cầu bằng cách xây dựng dựa trên các liên kết thương mại và hợp tác kinh tế hiện có.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo hôm 3/11 kêu gọi các Bộ trưởng chịu trách nhiệm về thương mại phát triển các cách tiếp cận toàn diện và bền vững đối với thương mại và đầu tư nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững trong khu vực và chuỗi cung ứng linh hoạt cho hàng hóa và dịch vụ, cải thiện môi trường pháp lý minh bạch và có thể dự đoán được để thúc đẩy dòng chảy thương mại và xóa bỏ các rào cản.
Các nhà lãnh đạo APEP cũng kêu gọi các bộ trưởng thương mại thúc đẩy hội nhập khu vực và phát triển các cách thức để “đảm bảo rằng lợi ích của thương mại được chia sẻ rộng rãi hơn với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa”./.