Mỹ triển khai thực hiện đạo luật trợ cấp sản xuất chip bán dẫn
Sắc lệnh của Tổng thống Biden đặt ra 6 ưu tiên chính để hướng dẫn triển khai và thiết lập một hội đồng thực hiện Đạo luật Khoa học và CHIPS liên ngành gồm 16 thành viên.
Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden trong ngày 25/8 sẽ ký sắc lệnh hành pháp về việc thực hiện đạo luật nghiên cứu và trợ cấp sản xuất chip bán dẫn trị giá gần 53 tỷ USD.
Theo Nhà Trắng, sắc lệnh của Tổng thống Biden đặt ra 6 ưu tiên chính để hướng dẫn triển khai và thiết lập một hội đồng thực hiện Đạo luật Khoa học và CHIPS liên ngành gồm 16 thành viên.
Hội đồng này sẽ do người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia (NEC) Brian Deese, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và Quyền Giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ (OSTP) Alondra Nelson đồng chủ trì. Hội đồng sẽ bao gồm Ngoại trưởng Mỹ, các Bộ trưởng Quốc phòng, Thương mại, Tài chính, Lao động và Năng lượng.
[Thượng viện Mỹ thông qua dự luật thúc đẩy sản xuất chip]
Nhà Trắng cũng cho biết Bộ Thương mại đã thành lập trang web CHIPS.gov và sẽ thực hiện việc tài trợ cho việc sản xuất chip. Bộ này "cam kết triển khai tài trợ nhanh nhất có thể, đồng thời đảm bảo thời gian để thực hiện thẩm định cần thiết".
Đầu tháng này, Tổng thống Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS, bao gồm khoản trợ cấp hơn 50 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn - vốn được sử dụng trong mọi sản phẩm điện tử, từ ôtô và vũ khí công nghệ cao đến các thiết bị công nghệ và trò chơi điện tử.
Ngoài ra, đạo luật cũng sẽ “rót” 200 tỷ USD trong 10 năm để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Mỹ nhằm cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Tổng thống Biden cho biết đạo luật này sẽ giúp nước Mỹ giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh về kinh tế trong thế kỷ 21./.