Mỹ: Tranh luận trực tiếp có tác động không nhỏ tới cuộc đua vào Nhà Trắng
Tranh luận trực tiếp trên truyền hình là dịp để các ứng cử viên chứng tỏ tài năng và tầm nhìn, thuyết phục khối cử tri trung dung hay còn đang dao động nên có tác động không nhỏ tới cuộc đua.
Trong văn hóa bầu cử Tổng thống Mỹ, tranh luận trực tiếp trên truyền hình là dịp để các ứng cử viên chứng tỏ tài năng và tầm nhìn của một vị tổng tư lệnh đất nước, thuyết phục các khối cử tri trung dung hay còn đang dao động. Do đó, màn thể hiện của mỗi ứng cử viên có tác động không nhỏ tới chặng đường hướng tới ngày bầu cử vào tháng 11.
Trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên của chiến dịch bầu cử tổng thống năm nay vừa diễn ra tại thành phố Atlanta (bang Georgia), hai ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ và Donald Trump bên phía đảng Cộng hòa đã có những màn đấu khẩu nảy lửa, thể hiện quan điểm khác biệt về một loạt vấn đề chính sách, từ cách ứng phó với đại dịch COVID-19, hiệu quả điều hành nền kinh tế, công ăn việc làm, quyền nạo phá thai, cuộc chiến chống lạm phát, an ninh biên giới, nhập cư, cho tới các vấn đề đối ngoại như cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc, xung đột ở Ukraine, quan hệ với các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chính sách với Iran, hay cách thức xử lý cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine…
Các quy định nghiêm ngặt của kênh truyền hình CNN, nhất là quy định tự động ngắt micro đối với người không phát biểu, đã khiến cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống thiếu những thời khắc bùng nổ, đẩy cảm xúc của người xem truyền hình lên cao trào. Tuy nhiên, không vì thế mà màn “so găng” giữa Tổng thống đương nhiệm Biden và cựu Tổng thống Trump kém phần hấp dẫn.
Theo thăm dò dư luận do CNN tiến hành ngay sau khi kết thúc cuộc tranh luận, phần lớn khán giả theo dõi đánh giá tỷ phú Trump đã có màn thể hiện tốt hơn so với Tổng thống Biden, với tỷ lệ lần lượt là 67% và 33%.
Bên cạnh đó, 57% số người được hỏi nói rằng họ không tin vào khả năng lãnh đạo đất nước của Tổng thống Biden, 44% nói họ không thực sự tin tưởng vào khả năng ông Trump sẽ trở thành tổng thống.
Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sỹ Steve Scalise, đánh giá ứng cử viên Trump đã có màn thể hiện vượt trội và là người chiến thắng trong màn đối mặt trực tiếp đầu tiên.
Thượng nghị sỹ bang Florida Marco Rubio nói rằng cuộc tranh luận sẽ giúp cử tri Mỹ nhận ra ông Trump là người phù hợp hơn để trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Ông Joe Navarro, một cựu chuyên gia phân tích nổi tiếng của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), khẳng định ngôn ngữ cơ thể không biết nói dối và 90 phút tại sân khấu lộng lẫy ở Atlanta đã chứng minh một điều, đó là gánh nặng tuổi tác đang đè nặng trên đôi vai của đương kim chủ nhân Nhà Trắng Joe Biden.
Cuộc tranh luận đã để lại tác động tức thì, thậm chí báo hiệu một bước ngoặt trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Nếu như ông Trump vẫn tập hợp được sự hậu thuẫn to lớn của tầng lớp tinh hoa trong đảng Cộng hòa, thì khối đoàn kết bên phía đảng Dân chủ đang cho thấy những rạn nứt và áp lực ngày càng tăng đối với cá nhân ông Biden.
Chuyên gia David Axelrod, một nhà bình luận chính trị kỳ cựu, thừa nhận có lẽ tâm lý lo lắng đang bao trùm hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của đảng Dân chủ. Một nhóm Hạ nghị sỹ Dân chủ cho rằng sau màn thể hiện tại Atlanta, liệu Tổng thống Biden có còn phù hợp để nhận tấm vé đại diện cho đảng ra tranh cử tổng thống hay không.
Ông Mark Buell, nhà tài trợ hàng đầu của đảng Dân chủ, đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng đảng này cần nghiêm túc xem xét phương án chọn một ứng cử viên tổng thống khác chạy đua với đối thủ Trump vào tháng 11 tới. Dù kêu gọi cử tri Dân chủ không mất niềm tin nơi ứng cử viên Biden, song cựu Tổng thống Barack Obama cũng phải thừa nhận ông Biden đã có màn tranh luận trực tiếp hoàn toàn thất thế trước đối thủ.
Trong một thông điệp chung, hàng loạt nhà lập pháp của đảng Dân chủ cho rằng êkíp tranh cử của Tổng thống Biden đã có sự chuẩn bị không tốt cho cuộc “đối mặt” lần này, đồng thời kêu gọi ông từ chối tham gia cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai dự kiến do tổ hợp truyền thông ABC News chủ trì vào tháng 9.
Cựu Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ bang Missouri, bà Claire McCaskill, đánh giá đảng đang đi vào “tâm bão” và đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong chiến dịch bầu cử năm nay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lưu ý việc ứng cử viên Trump liên tục lảng tránh trả lời trực tiếp các câu hỏi của người điều phối chương trình CNN cũng cho thấy nhiều vấn đề. Dù có sự thể hiện ấn tượng hơn, song không hẳn ứng cử viên bên phía đảng Cộng hòa đã có một màn tranh luận hoàn toàn thuyết phục cử tri.
Trong khi đó, người đứng đầu chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Biden, bà Jen O’Malley Dillon, tuyên bố đương kim tổng thống Mỹ đã có màn thể hiện tốt trong cuộc tranh luận ở Atlanta, đưa ra được “tầm nhìn tích cực và chiến thắng” cho chặng đường sắp tới.
Phó Tổng thống Kamara Harris kêu gọi cử tri Mỹ nên tập trung vào các thành tựu và hiệu quả làm việc của Tổng thống Biden, chứ không phải hình ảnh của ông trên một sân khấu truyền hình trực tiếp.
Về phần mình, Thống đốc bang California Gavin Newsom khẳng định ông không bao giờ hoài nghi năng lực lãnh đạo đất nước của Tổng thống Biden, đồng thời bày tỏ tin tưởng đảng Dân chủ sẽ một lần nữa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren (bang Massachusetts) cho biết sự lựa chọn giữa hai ứng cử viên “là rõ ràng” và giải thích rằng Tổng thống Biden “đấu tranh mạnh mẽ cho những người lao động đang chật vật để giảm chi phí, khôi phục quyền phá thai và bảo vệ nền dân chủ”, còn cựu Tổng thống Trump lại chỉ “giảm thuế cho người giàu và tước đoạt các quyền tự do của người dân Mỹ."
Phát biểu vận động tranh cử tại bang North Carolina một ngày sau cuộc tranh luận, Tổng thống Biden thừa nhận bản thân đã có màn thể hiện chưa tốt, song khẳng định ông vẫn đặt trọn niềm tin vào khả năng giành chiến thắng và sẽ không rút khỏi cương vị ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Biden và Trump có thể trở thành khúc cua quyết định, mang tính bước ngoặt trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm nay. Chặng đường sắp tới vẫn rất khó đoán, song có một điều dường như khiến cử tri và người dân Mỹ quan ngại, đó là một nền chính trị rạn nứt và phân cực sâu sắc.
Hình ảnh hai ứng cử viên tổng thống từ chối bắt tay nhau - một truyền thống văn hóa Mỹ, báo hiệu một cuộc bầu cử gây chia rẽ đất nước, bất kể người chiến thắng là ai./.