Mỹ tái vận hành nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng
Holtec ước tính chi phí cho kế hoạch tái vận hành nhà máy Palisades mất khoảng 2 tỷ USD, còn Constellation cho rằng sẽ mất 1,6 tỷ USD để đưa Three Mile Island hoạt động trở lại.
Hai công ty năng lượng của Mỹ đang chuẩn bị vận hành trở lại nhà máy điện hạt nhân của mình.
Động thái chưa từng có tiền lệ này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng tại Mỹ.
Cuối tuần trước, Constellation Energy đã công bố kế hoạch tái khởi động một lò phản ứng tại đảo Three Mile Island của Pennsylvania.
Nhà máy này đã bị đóng cửa vì lý do kinh tế vào năm 2019 và đã từng là nơi xảy ra vụ tai nạn điện hạt nhân thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ vào năm 1979. Kế hoạch khởi động lại nhà máy nói trên là một phần trong thỏa thuận cung cấp điện kéo dài 20 năm với Microsoft.
Trước đó, tháng 10 năm ngoái, Holtec đã nộp đơn lên Ủy ban quản lý hạt nhân Mỹ (NRC) xin nối lại hoạt động của nhà máy hạt nhân Palisades ở Michigan, bị đóng cửa vào năm 2022. Nhiều chuyên gia cho biết việc khởi động lại nhà máy này sẽ tạo tiền lệ đầu tiên trên thế giới.
Trả lời hãng tin AFP, NRC cho biết cho đến nay cơ quan này mới chỉ nhận được một đơn xin khởi động lại nhà máy hạt nhân, đó là của Holtec.
Việc tháo dỡ một nhà máy điện thường mất hàng chục năm. Nhà máy Palisades của Holtec vẫn chưa thực sự bắt đầu quá trình tháo dỡ, trong khi tại Three Mile Island, nhiên liệu đã được lấy ra khỏi lò phản ứng, nhưng "các hoạt động tháo dỡ hoặc phá hủy thiết bị chính vẫn chưa bắt đầu.
Holtec ước tính chi phí cho kế hoạch tái vận hành này khoảng 2 tỷ USD, còn Constellation cho rằng sẽ mất 1,6 tỷ USD để đưa Three Mile Island hoạt động trở lại. Các con số này thấp hơn rất nhiều chi phí hơn 30 tỷ USD cho việc xây dựng hai lò phản ứng mới nhất tại Mỹ.
Giữa lúc nhu cầu năng lượng hạt nhân đang tăng lên sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, và Chính phủ Mỹ muốn chuyển sang các nguồn tài nguyên không carbon, năng lượng hạt nhân đang có ưu thế. Theo một cuộc khảo sát mới đây của Pew Research Center, khoảng 56% người Mỹ ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân ở Mỹ, cao hơn mức 43% chỉ bốn năm trước.
Lò phản ứng môđun nhỏ (Small Modular Reactor - SMR) kiểu mới có nhiều ưu điểm, với thời gian xây dựng ngắn hơn và khả năng sản xuất hàng loạt. Nhưng việc thiết kế và xây dựng các nhà máy điện cỡ nhỏ gọn này lại rất tốn kém vì chúng mới chỉ ở dạng nguyên mẫu.
Nhà máy Natrium của công ty khởi nghiệp TerraPower, hiện đang được định vị là SMR đầu tiên hoạt động tại Mỹ vào năm 2030, dự kiến sẽ “ngốn” chi phí khoảng 4 tỷ USD. Vì thế, việc khởi động lại một nhà máy điện sẵn có dường như là con đường nhanh nhất và rẻ nhất.
Theo người phát ngôn của Bộ Năng lượng Mỹ, "sáng kiến nói trên đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ. Trước đó trong năm nay, chính quyền của Tổng thống Biden đã nhất trí cung cấp cho Holtec 1,5 tỷ USD vốn vay, “vì sự chuyển đổi lịch sử của đất nước sang một tương lai năng lượng an toàn và ổn định"./.