Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết ủng hộ Palestine là thành viên Liên hợp quốc
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp để bỏ phiếu về quy chế thành viên chính thức đối với Palestine, với kết quả 12 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và 1 phiếu chống của Mỹ.
Ngày 18/4 (giờ địa phương), Mỹ đã dùng quyền phủ quyết để một lần nữa ngăn chặn dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan tới việc ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp để bỏ phiếu về quy chế thành viên thành viên chính thức đối với Palestine. Kết quả cho thấy 12 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và 1 phiếu chống của Mỹ.
Với lá phiếu phủ quyết của ủy viên thường trực Mỹ, Hội đồng Bảo an đã không thể thông qua bản dự thảo nghị quyết nhằm khuyến nghị Đại Hội đồng Liên hợp quốc tổ chức phiên họp toàn thể để bỏ phiếu về đề xuất nâng tư cách quan sát viên của Palestine lên thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.
Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, đại diện phía Palestine đã lên tiếng chỉ trích hành động phủ quyết của Mỹ.
Về phần mình, Trưởng phái đoàn thường trực Liên bang Nga tại Liên hợp quốc - Đại sứ Vassily Nebenzia - tuyên bố đại đa số cộng đồng quốc tế hiện nay đều ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc và lá phiếu phủ quyết của Mỹ chỉ khiến nước này thêm lạc lõng.
Theo ông, đây cũng là lần thứ 5 Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an kể từ khi vòng xoáy xung đột mới nhất bùng phát ở Dải Gaza.
Năm 1974, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 3237 công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) trở thành quan sát viên. Tới tháng 11/2012, Đại hội đồng tiếp tục thông qua nghị quyết trao cho Nhà nước Palestine quy chế quan sát viên tại Liên hợp quốc.
Theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, bất kỳ yêu cầu nào về việc trở thành quốc gia thành viên Liên hợp quốc trước tiên đều phải có được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an - nghĩa là phải giành được tối thiểu 9 phiếu thuận trong số 15 phiếu và không có phiếu phủ quyết - và sau đó được 2/3 tổng số thành viên của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tán thành./.