Mỹ mong muốn mối quan hệ đối tác thực chất với châu Phi
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington mong muốn quan hệ đối tác mạnh mẽ và thực chất hơn với châu Phi, thay vì mối quan hệ mất cân bằng và mang tính trao đổi.
Ngày 8/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ đang tìm kiếm mối quan hệ đối tác thực chất với châu Phi, thay vì cạnh tranh sức ảnh hưởng với những cường quốc khác tại châu lục này.
Phát biểu tại họp báo chung với người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor ở thủ đô Pretoria, ông Blinken cho biết Mỹ mong muốn quan hệ đối tác mạnh mẽ và thực chất hơn với châu Phi, thay vì mối quan hệ mất cân bằng và mang tính trao đổi.
Ông nhấn mạnh Washington không coi châu Phi là "sân chơi mới nhất trong cuộc đua giữa các cường quốc."
Ngoại trưởng Blinken đã đưa ra tuyên bố trên trước khi có bài phát biểu tại Đại học Pretoria, nơi ông sẽ công bố chính sách châu Phi mới của Chính phủ Mỹ.
Đây là lần thứ 2 ông Blinken công du châu Phi kể từ khi nhậm chức đầu năm 2021.
Sau Nam Phi, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Cộng hòa Congo và Rwanda. Cả Rwanda và nước láng giềng Cộng hòa Congo đều đang trong tình trạng căng thẳng leo thang vì cáo buộc ủng hộ khủng bố.
[Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du châu Phi]
Cùng ngày, Nhà Trắng đã công bố các mục tiêu chính sách mới đối với vùng hạ Sahara của châu Phi.
Phát biểu với báo giới, các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ chiến lược mới của Mỹ đối với vùng hạ Sahara của châu Phi sẽ chủ động gắn kết các nhà lãnh đạo trong khu vực trong loạt vấn đề từ biến đổi khí hậu, phục hồi sau đại dịch COVID-19 đến mất an ninh lương thực, đồng thời xem xét một cách tổng thể về việc tham gia hoạt động quân sự tại châu lục này.
Chiến lược này cũng sẽ hướng đến việc tăng cường nỗ lực chống khủng bố thông qua cách tiếp cận phi quân sự.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng năng lực quân sự chống lại các mục tiêu khủng bố một cách hợp pháp và tại những nơi tiềm ẩn mối đe dọa nghiêm trọng.
Theo văn kiện về chiến lược này, việc hỗ trợ ngành y tế và kinh tế phục hồi sau đại dịch là điều kiện tiên quyết để giành được lòng tin của châu Phi, bên cạnh việc tăng cường thương mại và tạo thêm việc làm.
Ngoài ra, phía Mỹ cũng cam kết hỗ trợ châu Phi giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu./.