Mỹ khẳng định hòa đàm về Sudan tại Thụy Sĩ vẫn diễn ra như kế hoạch
Đàm phán dự kiến diễn ra tại Thụy Sĩ từ ngày 14/8, trong trường hợp Các lực lượng vũ trang Sudan (SAF) không tham dự, các bên sẽ tiếp tục tập trung vào các yếu tố quốc tế và kỹ thuật.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, ngày 12/8, Mỹ khẳng định các cuộc đàm phán tại Thụy Sĩ trong tuần này nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Sudan vẫn sẽ được tổ chức, ngay cả khi không có sự góp mặt của Chính phủ Sudan.
Tháng trước, Mỹ đã mời các bên xung đột tại Sudan tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn do Saudi Arabia và Thụy Sĩ đồng tổ chức.
Đàm phán dự kiến diễn ra tại Thụy Sĩ từ ngày 14/8 và có thể kéo dài tới 10 ngày. Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đã nhận lời tham gia đàm phán, trong khi phía Chính phủ Sudan bày tỏ lo ngại về cách tiếp cận của Washington và không xác nhận có tham gia hay không.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), Đặc phái viên Mỹ tại Sudan, Tom Perriello khẳng định hòa đàm về Sudan sẽ vẫn diễn ra như kế hoạch.
Ông nêu rõ trong trường hợp Các lực lượng vũ trang Sudan (SAF) không tham dự, các bên sẽ tiếp tục tập trung vào các yếu tố quốc tế và kỹ thuật.
Theo Đặc phái viên Mỹ, đây là một cuộc họp lớn có sự tham dự của các chuyên gia. Nếu SAF thay đổi quyết định và muốn tham gia, đàm phán sẽ có sự điều chỉnh.
Trước đó, vào ngày 11/8, Bộ trưởng Khoáng sản Mohammed Abu Namo - người đứng đầu phái đoàn Sudan - cho biết các cuộc đàm phán trong những ngày gần đây giữa Chính phủ Sudan và các nhà trung gian Mỹ về các điều kiện tham gia hòa đàm tại Thụy Sĩ đã kết thúc “mà không đạt thỏa thuận.”
Chính phủ Sudan cho rằng “cần phải có thêm nhiều cuộc thảo luận” để tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Theo Bộ trưởng Truyền thông Sudan, Graham Abdelkader, chính phủ nước này cũng “từ chối bất kỳ quan sát viên hoặc bên tham gia mới nào,” sau khi Mỹ đề cập đến sự tham gia của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) với tư cách là quan sát viên.
Tuy nhiên, Đặc phái viên Perriello tuyên bố việc Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) tham gia vào quá trình đàm phán sẽ đóng vai trò quan trọng, bởi hai quốc gia này có thể trở thành những nước bảo lãnh cho việc thực thi thỏa thuận.
Ông Perriello cho biết các cuộc đàm phán tại Thụy Sĩ sẽ tập trung vào việc chấm dứt chiến sự, bảo vệ dân thường và tiếp cận nhân đạo.
Xung đột tại Sudan bắt đầu từ tháng 4/2023 khi giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF bùng phát ở thủ đô Khartoum và nhanh chóng lan rộng về phía Tây ra khắp Darfur.
Kể từ khi xung đột nổ ra, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, khoảng 25 triệu người dân Sudan phải đối mặt với nạn đói và cần viện trợ nhân đạo. Ước tính đã có 2,2 triệu người Sudan ra nước ngoài lánh nạn, trong khi gần 7,8 triệu người phải sơ tán trong nước./.