Mỹ-EU hợp tác chống lại hành vi làm gián đoạn thị trường năng lượng

Mỹ và EU đã tăng cường hợp tác về năng lượng kể từ khi Nga giảm vận chuyển khí đốt sang châu Âu do xung đột tại Ukraine, khiến châu lục này rơi vào cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng.

Một cơ sở sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Cameron, bang Louisiana, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/4 cam kết đấu tranh chống các hành vi gây bất ổn các thị trường năng lượng toàn cầu.

Tuyên bố chung sau cuộc họp ở Brussels (Bỉ) giữa Mỹ và EU nêu rõ: “Hai bên tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhằm đương đầu trực tiếp, bằng các biện pháp thích hợp, chống lại mọi âm mưu gây thêm bất ổn tình hình năng lượng toàn cầu và né tránh các trừng phạt.”

Tuyên bố chung Mỹ-EU cũng nêu rõ hai bên sẽ tăng cường hợp tác nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga về nhiên liệu hạt nhân và dịch vụ làm giàu urani, đồng thời nhất trí tổ chức cuộc họp chung trong năm nay nhằm thúc đẩy các công nghệ tiên tiến như lò phản ứng module cỡ nhỏ.

[Mỹ, EU khởi động đàm phán thương mại về đảm bảo quy chế cho EU]

Mỹ và EU đã tăng cường hợp tác về năng lượng kể từ khi Nga giảm vận chuyển khí đốt sang châu Âu do xung đột tại Ukraine, khiến châu lục này rơi vào cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng và đẩy giá nhiên liệu leo thang kỷ lục.

EU đến nay vẫn đang nỗ lực để thay thế hầu hết nguồn khí đốt trước đây nhập khẩu từ Moskva, nhờ tăng nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác, nhanh chóng chuyển sang năng lượng tái tạo, cũng như nhờ các chính sách tiết kiệm năng lượng.

Năm 2022, Mỹ đã chuyển giao 56 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang EU, hơn gấp đôi so với lượng khí giao năm 2021 và đưa châu Âu trở thành điểm đến hàng đầu của LNG Mỹ.

EU không trừng phạt hoạt động nhập khẩu khí đốt hoặc nhiên liệu hạt nhân từ Nga, mặt hàng mà 27 quốc gia thành viên đang phụ thuộc rất nhiều vào Nga.

Theo Cơ quan hạt nhân của EU (Euratom), Nga cung cấp 20% urani cho các nhà máy điện hạt nhân của EU trong năm 2021, và 31% dịch vụ làm giàu urani cho các nhà máy này.

Cũng trong năm 2021, Mỹ nhập khẩu 35% lượng urani từ Kazakhstan, 15% từ Canada, 14% từ Australia và 14% từ Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)