Mỹ cam kết đóng góp 4 tỷ USD cho quỹ giúp những nước nghèo của WB

Cam kết đóng góp của Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện sự tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ của Washington dành cho các quốc gia đang đối mặt nhiều thách thức về nghèo đói, Biến đổi Khí hậu và nợ công.

Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại quận Gatumba thuộc Bujumbura, Burundi, ngày 19/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil), Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/11 đã cam kết về khoản đóng góp kỷ lục 4 tỷ USD cho quỹ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB), nhằm hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất trên thế giới.

Đây là một cam kết quan trọng, thể hiện sự tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ của Washington dành cho các quốc gia đang đối mặt nhiều thách thức về nghèo đói, Biến đổi Khí hậu và nợ công.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, khoản đóng góp 4 tỷ USD này sẽ được triển khai trong vòng 3 năm tới. Đây là một phần của nỗ lực tái cấp vốn cho quỹ IDA - một chương trình của WB cung cấp các khoản vay ưu đãi và trợ cấp cho các quốc gia nghèo nhất.

Khoản đóng góp mới từ Mỹ cao hơn khoảng 14,3% so với cam kết 3,5 tỷ USD mà Washington đã thực hiện trong vòng tái cấp vốn IDA trước đó vào tháng 12/2021. Đây là cam kết quan trọng trong bối cảnh nhu cầu hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nghèo ngày càng gia tăng, đặc biệt là khi họ đối mặt với những vấn đề phức tạp như nợ công cao, thiên tai do Biến đổi Khí hậu và các cuộc xung đột kéo dài.

Chương trình IDA được tái cấp vốn 3 năm/lần. Tổng giám đốc WB Ajay Banga hy vọng có thể đạt được một khoản tái cấp vốn kỷ lục, vượt qua mức 93 tỷ USD đã đạt được trong vòng cấp vốn năm 2021.

Mặc dù mục tiêu của WB là đạt được 120 tỷ USD trong lần tái cấp vốn lần này, nhưng để đạt được con số này, các quốc gia phải tăng cường cam kết tài chính đáng kể.

Tuy nhiên, cam kết này của Tổng thống Biden vẫn chưa chắc chắn sẽ được thực hiện sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2025. Tổng thống đắc cử Donald Trump - người từng có lập trường cắt giảm viện trợ nước ngoài trong các nhiệm kỳ trước, có thể sẽ không tiếp tục hỗ trợ khoản đóng góp này, đặc biệt là khi ông Trump và các cộng sự đang tìm cách giảm chi tiêu của chính phủ thông qua một ủy ban hiệu quả hóa chi tiêu.

Ngoài cam kết của Mỹ, các quốc gia khác cũng đã tăng cường đóng góp của mình vào quỹ IDA. Tại các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB vào tháng 10/2024, Tây Ban Nha đã thông báo tăng đóng góp lên tới 37%, tương đương 423 triệu USD.

Đan Mạch cũng đã thông báo tăng đóng góp lên khoảng 492 triệu USD, tức là tăng 40% so với trước đó.

Các khoản tài trợ này rất quan trọng trong việc giúp các quốc gia nghèo giảm bớt gánh nặng nợ nần, ứng phó với các thảm họa do Biến đổi Khí hậu và hỗ trợ các nỗ lực tái thiết sau xung đột.

Hội nghị các nước cam kết tài chính cho quỹ IDA sẽ diễn ra trong hai ngày 5 và 6/12 tới tại Seoul, Hàn Quốc./.