Mưu sinh mùa nước nổi nơi đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp
Khi nước lũ tràn về, đồng ruộng ngập trắng xóa là lúc bà con ở vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp tranh thủ ra đồng đánh bắt thủy sản bằng nhiều cách như giăng câu, giăng lưới, kéo lưới, đặt lờ, đặt dớn…
Những ngày đầu tháng Bảy Âm lịch này, nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Tiền - một trong hai con sông lớn chạy qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp rồi tràn vào đồng ruộng.
Nhiều người dân ở huyện đầu nguồn Hồng Ngự đã bắt đầu mưu sinh trong mùa lũ với việc đánh bắt cá, cua, ốc…, góp phần giúp bà con có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
Để rửa đất, mang phù sa vào ruộng sau khi thu hoạch vụ lúa Hè-Thu, khoảng 5 ngày nay, nhiều cánh đồng ở huyện Hồng Ngự đã mở nắp cống cho nước vào ngập đồng, nhiều loại cá, tôm theo con nước vào đồng ruộng.
Theo người dân ở vùng đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, mùa lũ thường từ đầu tháng Bảy đến tháng 10 Âm lịch hằng năm. Khi nước lũ tràn về, đồng ruộng ngập trắng xóa là lúc bà con tranh thủ ra đồng đánh bắt thủy sản bằng nhiều cách như giăng câu, giăng lưới, kéo lưới, đặt lờ, đặt lợp, đặt dớn…
[Người dân đầu nguồn châu thổ Cửu Long mưu sinh mùa lũ]
Những ngày này, cánh đồng rộng hàng trăm hécta thuộc xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự như biển nước mênh mông. Anh Lê Văn Lùn ở xã Thường Thới Hậu A đã tranh thủ đặt 2 cái dớn trên đồng để bắt cá.
Anh Lùn cho biết hiện giờ, nước xả vào đồng chưa lâu, mực nước còn thấp nên cá chưa nhiều nhưng mỗi ngày anh cũng bắt được hơn 1kg cá các loại, “dư sức” phục vụ cho bữa cơm hằng ngày. Mọi năm, đến khoảng Rằm tháng Bảy Âm lịch là nước sẽ lên cao, khi đó cá, tôm “chạy” rất nhiều và anh "sống khỏe."
Theo nhiều người dân sống cố cựu ở vùng lũ Hồng Ngự, hiện nay, mực nước còn thấp hơn cùng kỳ mùa lũ năm rồi khoảng 2 tấc. Tâm trạng nhiều cư dân vùng lũ luôn mong ước con nước lên cao hơn để có nhiều cá, tôm, có thêm thu nhập lo cho cuộc sống.
Ông Lê Văn Hạnh (66 tuổi) ngụ xã Thường Thới Hậu A, chia sẻ nước lũ về, ông rất phấn khởi vì sẽ dễ dàng đánh bắt được các loại cá, chẳng những có thêm thu nhập mà còn giúp bữa cơm hằng ngày thêm phong phú với những đặc sản mùa nước nổi. Ông mong nước lũ về cao hơn vì nước nhiều, có thể tôm, cá cũng sẽ nhiều.
Hiện, nước lũ còn thấp nhưng người dân ở nhiều địa phương đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp đã bắt đầu săn tìm sản vật mùa lũ nhằm cải thiện thu nhập. Anh Lê Văn Đẹt ở huyện Hồng Ngự đầu tư hơn 100 lợp cua để đặt kiếm cua, ốc. Anh Đẹt cho hay, đầu mùa lũ nên mỗi ngày, anh kiếm được trên 10kg cua đồng, bán được hơn 200.000 đồng. Những năm trước, lúc cao điểm mùa lũ, anh bắt được nhiều hơn với khoảng 30kg/ngày, thu nhập hơn 500.000 đồng. Nhà chỉ có vài công ruộng nên đây là khoản thu nhập khá lớn của gia đình anh Đẹt.
Nước vừa tràn đồng là nhiều chợ ở Đồng Tháp đã bày bán các sản vật mùa nước nổi như cá linh, cua, ốc, bông súng, bông điên điển… Ven những tuyến đường khu vực biên giới (giáp với Campuchia) cũng xuất hiện nhiều điểm thu mua sản vật mùa lũ để cung cấp khắp nơi. Chị Trần Thị Diễm, một tiểu thương ở xã Thường Thới Hậu A, chuyên mua bán những sản vật mùa nước nổi, đến hẹn lại lên, vào mùa nước lũ là chị Diễm lại vào ở tạm trong căn chòi giữa đồng (cách nhà hơn 5km) để thuận tiện việc mua bán.
Theo chị Trần Thị Diễm, bà con thường đánh bắt thủy sản ban đêm và mang đi bán lúc rạng sáng nên vào đồng ở luôn cho tiện. Chị thu mua tất cả những gì mà người dân đánh bắt được, từ cá linh, cá chạch, lươn đến tôm, cua, ốc… Chị Diễm cho hay hiện tại, mỗi ngày chị mua được khoảng 100kg cá các loại (chủ yếu là cá linh) để cung cấp cho một số tỉnh miền Tây và Thành phố Hồ Chí Minh. Cá linh đã làm sạch có giá bán không quá cao, chỉ trên dưới 200.000 đồng/kg. Nhu cầu của khách hàng rất lớn, có bao nhiêu là họ lấy bấy nhiêu nhưng nước trên đồng chưa nhiều nên lượng tôm, cá cũng ít.
Một mùa lũ nữa lại bắt đầu về trên quê hương Đồng Tháp, người dân ở vùng đầu nguồn đang trông chờ nước lũ lên cao hơn để mang về phù sa bồi đắp cho ruộng đồng tốt tươi và có nhiều tôm, cá. Ai cũng mong sẽ có “mùa lũ đẹp” với nhiều sản vật, thuận lợi cho việc làm ăn, phát triển kinh tế trong những tháng nước ngập trắng đồng./.