Mượt mà làn điệu hát trống quân của người dân vùng đồng chiêm Hà Nam
Điểm độc đáo trong hát trống quân ở Liêm Thuận là trống không được làm bằng gỗ mà được làm bằng chum sành (hoặc vò, vại sành) - vật dụng gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của người dân.
Ai về Liêm Thuận quê ta
Sông, Gừa, Lau, Chảy, Vải, Nga, Thị, Chằm
Xin mời quý khách dừng chân
Lắng nghe câu hát trống quân ngọt ngào
Không biết tự bao giờ, làn điệu hát trống quân mượt mà, đầy sức sống ở xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm đã trở thành làn điệu độc đáo của người dân vùng đồng chiêm Hà Nam.
Liêm Thuận có dòng sông La Giang chảy qua, ngày xưa quanh năm nước ngập mênh mông như biển cả, được các Vua thời nhà Trần chọn làm nơi cất giấu quân lương. Thủy quân nhà Trần ngày đêm bơi thuyền canh gác kho quân lương. Những câu hát trống canh, tiếng trống canh của binh lính thời Trần đã có ở Liêm Thuận từ ngày ấy.
Cũng do địa hình sông nước, người dân bước chân đi là bước chân tới thuyền mà chèo, mà chở làm ăn buôn bán sinh hoạt cộng đồng. Những lúc hiu quạnh, giữa cánh đồng nước mênh mông họ thường cất lên tiếng hát để xua đi mệt mỏi, sự buồn tẻ trước không gian rộng lớn.
Người này hát, người kia nghe thấy hay lại hát theo, hay ngẫu hứng đáp lại, khiến cho những cuộc hát dần hình thành và diễn ra một cách tự nhiên. Ban đầu chỉ là những đám hát nhỏ giữa một vài người, sau lớn dần thành làng này đua tài với làng kia để rồi hình thành nên cuộc hát trống quân giữa các xóm, làng trong xã.
Cứ như thế câu hát trống quân trở nên quen thuộc, ăn sâu vào nếp sống của người dân Liêm Thuận. Hát hội trống quân thường diễn ra vào rằm tháng 8 hay hội làng hàng năm, không những để vui chơi, thử trí giao duyên lúc mùa màng thư nhàn, mà còn để cha ông soi ngắm trăng sao thời tiết, đoán định bước làm ăn sắp tới.
Nhiều nơi ở đồng bằng Bắc Bộ, có tục hát trống quân như vùng Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên), Khánh Hà (Thường Tín-Hà Tây cũ), xã Ninh Xá (Thuận Thành-Bắc Ninh)… song hát trống quân ở Liêm Thuận lại mang những nét đặc trưng riêng. Do cuộc sống gắn liền với sông nước nên họ có nhu cầu giao tiếp trên mặt nước, sau này nảy sinh nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa sông nước, từ đó người ta đã đem trống quân trên cạn xuống thuyền và trở thành nét đẹp văn hóa của vùng đất này.
Hát hội trống quân ở Liêm Thuận đã như là lệ chơi, luật chơi khi 2 thuyền gần nhau, gặp nhau họ cất lên lời hát chào. Thuyền hát này, bè hát này muốn giao lưu, muốn hát đối đáp với thuyền hát kia, bè hát kia thì chèo thuyền tới gần có khi kề mạn và họ bắt đầu nổi trống “thì thình” cất lên lời hát chào, hát ra mắt.
Những câu hát chào hỏi, ca ngợi chọc ghẹo nhưng đậm giao duyên hóm hỉnh, tế nhị, sâu sắc cứ nối dài làm cho bè hát suy nghĩ, người hát mải mê, mải miết cách đố mà quên đi cả thời gian sớm tối, quên đi cả công việc vất vả hàng ngày. Và dù cho hội hát chính đã kết thúc, nhưng cuộc hát lẻ còn kéo dài tới hết tuần trăng.
Những đêm trăng sau đó người ta vẫn nô nức chèo thuyền về cánh đồng làng Sông tiếp tục hát và nghe hát. Bao nhiêu cuộc hẹn hò, bao nhiêu nhân duyên lứa đôi cũng bắt đầu từ cuộc hát này.
Đặc biệt, nhạc cụ dùng để hát trống quân hết sức độc đáo, phù hợp với làn điệu, lời ca tự biên, tự diễn, mộc mạc, chân thành, giàu âm hưởng dân ca. Khác với những những quả trống được làm bằng gỗ mít, mặt bưng bằng da trâu ở nơi khác, trống để hát trống quân ở Liêm Thuận được làm bằng chum sành (hoặc vò, vại sành) - vật dụng gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của người dân.
Để làm được trống quân hát dưới thuyền, người ta đặt chiếc chum sành vào giữa sạp thuyền, sau đó lấy tấm gỗ mỏng đậy lên miệng chum sành. Tiếp đến dựng thanh tre lên trên tấm gỗ mỏng làm trụ chống dây, kéo căng dây thừng buộc vào hai bên thang thuyền. Khi căng dây thừng phải bảo đảm một bên dài, một bên ngắn để tạo ra hai âm, một âm thấp, một âm cao (thình thì thình, thình thì thình).
Hát trống quân ở Liêm Thuận có hai hình thức là hát trên cạn và hát dưới thuyền. Trước kia, người dân Liêm Thuận trước kia chủ yếu hát trống quân dưới thuyền bởi nó phù hợp với cảnh đồng nước mênh mang, phù hợp nghề chài lưới gắn với chiếc thuyền nan khuya sớm...
Trải qua những biến cố thăng trầm, có thời kỳ những làn điệu hát trống quân Liêm Thuận bị quên lãng, dần mai một và chỉ còn ít người biết đến. Những năm gần đây, việc bảo tồn điệu hát trống quân Liêm Thuận được chính quyền địa phương và những người gắn bó, tâm huyết, yêu điệu hát trống quân quan tâm gìn giữ.
Không còn cảnh hát đối đáp trên những chiếc thuyền nan nhẹ nhàng trôi giữa đồng nước mênh mông sóng vỗ như xưa, hát trống quân giờ được các thành viên trong Câu lạc bộ Hát trống quân Liêm Thuận biểu diễn trong những dịp lễ hội... phục vụ bà con trong làng, trong xã, có đôi chút thay đổi cho phù hợp như hát trên cạn nhưng người hát vẫn sử dụng chum sành làm nhạc cụ.
Với những giá trị độc đáo, nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Trống quân Liêm Thuận đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia./.