Mức sinh thấp chủ yếu ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Mức sinh ở thành thị đã xuống thấp hơn mức sinh thay thế trong 20 năm qua và luôn thấp hơn mức sinh ở nông thôn; 2/6 vùng kinh tế-xã hội (Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long) có mức sinh rất thấp.

Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 (TFR = 2,09 con/phụ nữ), tuy nhiên mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh thấp.

Hiện có khoảng 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39% dân số cả nước. Hầu hết là những địa phương nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh...

Đáng lưu ý khi tổng tỷ suất sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế (TFR=2,1) giảm từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ năm 2006 trở lại đây và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Thống kê cho thấy, xu hướng sinh ít con tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, đô thị hóa cao. Cụ thể, mức sinh ở thành thị đã xuống thấp hơn mức sinh thay thế trong 20 năm qua và luôn thấp hơn mức sinh ở nông thôn.

Ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay 2/6 vùng kinh tế-xã hội (Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long) có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.

Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân/người cao nhất cả nước, nhưng lại có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con/phụ nữ.

Bộ Y tế nhận định xu hướng mức sinh giảm, ngoài tác động về quy mô dân số, còn dẫn đến tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, tỷ trọng người già tăng lên. Đặc biệt, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy, như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang ở trong quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo đó, khi mức sinh giảm càng làm thúc đẩy nhanh chóng quá trình già hóa dân số ở nước ta./.