Mùa đại hội cổ đông: Lộ diện khó khăn của doanh nghiệp
Việc nhiều doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng chậm lại, thậm chí thua lỗ cho thấy cần sự mạnh mẽ hơn trong chiến lược của doanh nghiệp cũng như sự tích cực trong thực thi các chính sách hỗ trợ.
Kết quả kinh doanh quý 1 năm 2023 lộ diện trong mùa đại hội cổ đông đang cho thấy bên cạnh những kết quả kinh doanh tích cực cũng lộ rõ những khó khăn các doanh nghiệp niêm yết phải đối mặt.
Việc nhiều doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng chậm lại, thậm chí thua lỗ cho thấy cần sự mạnh mẽ hơn trong chiến lược kinh doanh của bản thân doanh nghiệp cũng như sự tích cực trong thực thi các chính sách hỗ trợ khu vực trụ cột của nền kinh tế này.
Qua đại hội cổ đông, phần lớn các ngân hàng niêm yết hé lộ về kết quả kinh doanh quý đầu năm tăng trưởng dương, thậm chí có ngân hàng đạt lợi nhuận hàng chục nghìn tỷ đồng. Dù vậy, thực tế cho thấy mức tăng trưởng của các ngân hàng đang chậm lại so với cùng kỳ năm trước.
Ở vị trí dẫn đầu vẫn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank-mã chứng khoán: VCB) có lợi nhuận hợp nhất quý 1 năm 2023 đạt hơn 11.200 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn mức tăng 15% trong quý 1 năm 2022.
Như vậy kết thúc quý 1, Vietcombank đạt 26% kế hoạch lợi nhuận năm 2023. Với kết quả này, ban lãnh đạo Vietcombank tự tin sẽ hoàn thành và vượt các mục tiêu kinh doanh 2023 đã đề ra.
Tiếp đến, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (mã chứng khoán: SHB) có lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 10,3% so với quý 1 năm 20223.
[Nhiều ngân hàng chốt lịch đại hội cổ đông, kế hoạch chia cổ tức cao]
Như vậy, SHB đã hoàn thành khoảng 35% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023, theo kế hoạch Đại hội đồng cổ đông ngân hàng vừa thông qua. Dù vậy, mức tăng 10,3% thấp hơn nhiều nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận 94% ngân hàng đạt được trong quý 1 năm 2022.
Vietcombank và SHB là những ngân hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất ngành. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng có mức tăng trưởng thấp như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB).
Cụ thể, quý 1 năm nay, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi con số này của quý cùng kỳ năm ngoái là 30%.
Thực tế, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2023 chậm lại cũng không phải thông tin quá bất ngờ đối với giới phân tích và nhà đầu tư.
Bà Trần Thị Thu Thảo, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại, đạt khoảng 11% so với cùng kỳ trong năm 2023 - 2024, thay vì mức 32% của năm 2022.
Nguyên nhân do khả năng tăng trưởng tín dụng chậm lại do lãi suất cho vay quá cao, thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và tỷ lệ chi phí tín dụng gia tăng.
Ngoài ra, thanh khoản hệ thống dù có cải thiện song vẫn hạn hẹp cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm lại.
Những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong bối cảnh 80% thu nhập của ngành tới từ tín dụng.
Chuyên gia từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023, với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%; trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.
Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ có thể ghi nhận suy giảm mạnh về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023.
Bên cạnh ngành ngân hàng, doanh nghiệp chứng khoán cũng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Có thể kể đến trường hợp của Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS).
Tổng doanh thu hoạt động của KIS quý 1 năm 2023 đạt 479 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế đạt 79 tỷ đồng, giảm 43% so với quý I/2022.
Quý 1 năm 2023, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cũng có lợi nhuận "lao dốc."
Cụ thể, HSC ghi nhận doanh thu gần 489 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 154 tỷ đồng, giảm lần lượt tới 43% và 56% so với cùng kỳ năm 2022.
Hay như trường hợp Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND) có tổng doanh thu hoạt động là 1.290 tỷ đồng, giảm 27% so với quý 1 năm 2022; lợi nhuận sau thuế ở mức gần 140,5 tỷ đồng, giảm gần 82% so với quý I/2022.
Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (mã chứng khoán: MBS) công bố báo cáo tài chính quý 1 năm 2023 với doanh thu hoạt động đạt 336 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2022. MBS báo lãi trước thuế 152 tỷ đồng, giảm 40% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2022.
Với ngành thép, Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên TISCO (mã chứng khoán TIS) cũng báo lỗ ròng gần 19 tỷ đồng, trong khi năm trước doanh nghiệp vẫn lãi 29 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Thép Mê Lin (MEL) có lãi sau thuế quý 1 năm 2023 đạt gần 2 tỷ đồng, giảm 82% so với quý 1 năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý đầu năm của doanh nghiệp giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Cổ phần FiinGroup - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ thông tin và dữ liệu tài chính dự báo lợi nhuận năm 2023 tăng chậm lại ở ngành ngân hàng - vốn đóng góp 42% tổng lợi nhuận sau thuế và 30% tổng vốn hóa toàn thị trường.
Đồng thời lợi nhuận sẽ suy giảm ở hầu hết các ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như bất động sản, tài nguyên cơ bản, hóa chất vì chi phí vốn tăng cao, cầu tiêu dùng trong nước và thế giới giảm do môi trường lãi suất cao và “nghẽn” dòng tiền trong nền kinh tế.
Ngược lại, tăng trưởng được dự báo duy trì ở những nhóm ngành mang tính phòng thủ và quy mô vốn hóa nhỏ như điện, nước, dược phẩm, công nghệ thông tin.
Trường hợp của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (mã chứng khoán: DHG) là ví dụ rõ nét. Theo đó, doanh thu thuần của Dược Hậu Giang trong quý 1 năm 2023 đạt 1.229 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng 41%, đạt 361 tỷ đồng.
Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục ghi nhận trong 1 quý kể từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Thực tế cho thấy, nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng. Việc kết quả kinh doanh quý 1 của doanh nghiệp niêm yết kém khả quan đã được giới phân tích nhận định trước đó.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), bức tranh kinh tế quý đầu năm cho thấy nhiều khó khăn khi GDP tăng trưởng thấp trong giai đoạn 2011-2023 (chỉ cao hơn giai đoạn dịch COVID-19).
Các động lực tăng trưởng kinh tế như công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu, đầu tư đều sụt giảm; số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường và tạm ngưng kinh doanh tăng mạnh.
Ngoài ra, do Việt Nam có độ mở lớn nên các thách thức từ vĩ mô quốc tế sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.
Tuy nhiên Agriseco cũng cho rằng kinh tế Việt Nam có một số điểm sáng đó là lạm phát, tỷ giá duy trì ổn định; mặt bằng lãi suất giảm bước đầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; bán lẻ, tiêu dùng tuy hồi phục chậm nhưng vẫn đóng góp vào đà tăng; trong đó, du lịch phục hồi tích cực.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách vĩ mô kỳ vọng hỗ trợ nền kinh tế tạo dư địa tăng trưởng trong 2 quý cuối năm.
Đặc biệt, những chính sách liên tiếp gần đây của Chính phủ cũng như sự chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành trong tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp như Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp sẽ là liều thuốc trợ lực mạnh mẽ hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới./.