Một tuần đầy giằng co của thị trường “vàng đen” trên thế giới

Giá dầu giảm liên tiếp trong hai phiên đầu tuần qua, đặc biệt giảm sâu hơn 6% xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10 trong phiên 28/10 do phản ứng của Israel với Iran không gây gián đoạn nguồn cung.

Cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, ngoài khơi bờ biển Iran. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 1/11 do có thông tin Iran đang chuẩn bị hành động đáp trả nhằm vào Israel trong những ngày tới. Tuy nhiên, sản lượng kỷ lục của Mỹ đã gây áp lực lên giá “vàng đen.”

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 29 xu Mỹ, tương đương 0,4%, lên 73,10 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 23 xu Mỹ, hay 0,3%, lên 69,49 USD/thùng.

Ở mức cao nhất trong phiên, cả hai loại dầu này đều tăng giá hơn 2 USD/thùng.

Giá dầu thế giới đã trải qua một tuần biến động mạnh. Giá dầu giảm liên tiếp trong hai phiên đầu tuần, đặc biệt giảm sâu hơn 6% xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10 trong phiên 28/10 do phản ứng của Israel với Iran không gây gián đoạn nguồn cung.

Tuy nhiên, giá dầu đã phục hồi tăng mạnh trong hai phiên sau đó do lo ngại về kế hoạch đáp trả của Iran. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 4% và giá dầu WTI giảm khoảng 3%.

Trang tin Axios của Mỹ ngày 31/10 đưa tin tình báo Israel cho biết Iran đang chuẩn bị thực hiện hành động liên quan tới Israel trong vòng vài ngày tới. Iran là thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), với sản lượng đạt khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd) trong năm 2023, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Theo các nhà phân tích và báo cáo của Chính phủ Mỹ, nước này đang trên đà xuất khẩu khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2024, tăng so với mức ước tính 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2023.

Cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi các dự đoán rằng OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, có thể trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu vào tháng 12, do lo ngại về nhu cầu dầu yếu và nguồn cung tăng. OPEC+ có thể đưa ra quyết định về việc này vào tuần tới.

Ngoài ra, số liệu việc làm mới đây của Mỹ cũng có lợi cho giá dầu. Tăng trưởng việc làm của Mỹ gần như chững lại trong tháng 10 do tác động của các cuộc đình công và các cơn bão.

Tình hình này đã làm tăng các dự đoán của thị trường về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí vay, từ đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.

Tuy nhiên, giá “vàng đen” đang chịu áp lực từ tình hình sản lượng dầu tại Mỹ. Trong khi OPEC+ hạn chế sản lượng, tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil của Mỹ cho biết sản lượng toàn cầu của họ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, còn Chevron cho biết sản lượng của công ty này tại Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục.

Tuần này, EIA cho biết các nhà sản xuất đã khai thác được 13,5 triệu thùng/ngày, mức cao kỷ lục.

Cơ quan này cho hay sản lượng dầu trong tháng Tám đã đạt mức cao kỷ lục 13,4 triệu thùng/ngày, và sản lượng cả năm đang trên đà hướng đến mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày trong năm nay và 13,5 triệu thùng/ngày trong năm 2025.

Giữa tháng 10/2024, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025, đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ ba liên tiếp của nhóm này.

Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, là nguyên nhân lớn nhất cho quyết định nói trên. OPEC đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc từ 650.000 thùng/ngày xuống còn 580.000 thùng/ngày.

Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Cushing, Oklahoma, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số liệu cho thấy, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1-9 năm nay đã giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 10,99 triệu thùng/ngày.

Nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm do xe điện (EV) ngày càng được sử dụng nhiều, cũng như tăng trưởng kinh tế chậm lại sau đại dịch COVID-19. Tình trạng này đã kìm hãm mức tiêu thụ và giá dầu toàn cầu.

Trong khi đó, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới đang tiến vào kỷ nguyên năng lượng giá rẻ trong bối cảnh việc chuyển dịch sang sử dụng điện năng tạo ra lượng dầu và khí đốt dư thừa.

Trong báo cáo thường niên về triển vọng dài hạn, IEA dự báo nhu cầu toàn cầu đối với tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch sẽ ngừng tăng trong thập niên này, trong khi nguồn cung dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dự kiến sẽ tăng. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ điện năng, trong đó Trung Quốc dẫn đầu, đang trên đà tăng tốc.

Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol, cho biết “Thế giới sắp bước vào một giai đoạn mới của thị trường năng lượng trong nửa cuối thập kỷ này do nguồn cung-cầu dầu và khí đang dần cân bằng hơn.

Nếu không xảy ra các xung đột địa chính trị lớn, thế giới sẽ bước vào một giai đoạn mà giá cả sẽ chịu áp lực giảm mạnh.

Đây sẽ là một bước ngoặt so với những năm đầu thập kỷ, khi giá năng lượng tăng vọt sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine năm 2022 đẩy lạm phát tăng vọt.

Theo IEA, trong thập kỷ qua, tốc độ tăng tiêu thụ điện cao hơn hai lần so với tổng nhu cầu năng lượng. Tỷ lệ này sẽ tăng gấp sáu lần trong 10 năm tới, chủ yếu do sự thúc đẩy từ Trung Quốc.

Xe điện sẽ chiếm 50% doanh số bán xe ôtô mới trên toàn cầu vào năm 2030, tăng so với mức 20% hiện nay.

Ông Birol cho hay trong lịch sử năng lượng, thế giới đã chứng kiến Kỷ nguyên Than đá và Kỷ nguyên Dầu mỏ, và giờ đây thế giới đang tiến vào Kỷ nguyên Điện năng với tốc độ nhanh chóng./.