Một triệu hecta lúa chất lượng cao: Luồng gió mới cho sản xuất lúa gạo
Xuất khẩu gạo Việt Nam vừa lập kỷ lục mới, Việt Nam có Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030."
Xuất khẩu gạo Việt Nam vừa thiết lập kỷ lục mới và cùng với đó, Việt Nam đã có ngay Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030."
Vùng chuyên canh này là cách làm đầu tiên trên thế giới, giúp thay đổi tư duy gắn sản xuất lúa gạo với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề án không chỉ từng bước hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo cả nước, mà còn hướng theo sản xuất xanh, giảm phát thải, chất lượng cao để trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.
Trước khi Đề án được Chính phủ phê duyệt, tỉnh An Giang đã tổ chức thực hiện thí điểm 10.000ha trong vụ Thu Đông 2023 tại các tiểu vùng đã tương đối về hạ tầng sản xuất, nông dân đáp ứng cơ bản tiêu chí đề án và liên kết với Tập đoàn Lộc Trời.
Tham gia Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, An Giang gặp thuận lợi do có điều kiện về diện tích sản xuất lúa rất lớn. Nông dân An Giang hầu hết đã hình thành được tập quán sử dụng giống lúa xác nhận trong sản xuất. Sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào chuỗi liên kết đã giúp cho An Giang mạnh dạn đăng ký 150.000 ha đất trồng lúa tỉnh này vào đề án.
Ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, cho biết đây là đề án rất thiết thực hỗ trợ nông dân đạt lợi nhuận bình quân trên 35%; tăng diện tích sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Đồng thời, nâng cao vai trò của hợp tác xã trong liên kết tiêu thụ.
Ngành nông nghiệp An Giang đã làm việc với các huyện, thị, thành và thống nhất lộ trình sẽ triển khai đề án. Cùng đó, triển khai cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói giúp cho nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng đạt tiêu chuẩn chất lượng truy xuất nguồn gốc sản phẩm để xuất khẩu, phục vụ cho kế hoạch liên kết tiêu thụ…
Là một hợp tác xã đã có vùng nguyên liệu liên kết đến gần 770ha, ông Lê Văn Chính, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Đông, xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cho biết không chỉ áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm vật tư trong canh tác lúa, hợp tác xã còn liên kết với Tập đoàn Lộc Trời sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhiều năm nay.
Ông Lê Văn Chính mong muốn vùng nguyên liệu của hợp tác xã sớm được duyệt vào đề án vì hợp tác xã vẫn đốt rơm sau mỗi vụ thu hoạch. “Khi nông dân, hợp tác xã, công ty cùng sử dụng sản phẩm hữu cơ, sinh học vào sản xuất và cùng tham gia vào đề án thì mô hình sẽ được nhân rộng. Nông dân được tuyên truyền hiểu về phát thải nhà kính để chủ động sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ,” ông Lê Văn Chính cho hay.
Lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp trong tái cơ cấu nông nghiệp. Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký diện tích tham gia đề án đến năm 2025 là 70.000ha, đến năm 2030 là 163.000ha. Riêng vụ Đông Xuân 2023-2024, tỉnh Đồng Tháp đảm bảo các tiêu chí tham gia đề án với trên 40.000ha.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp, tỉnh tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển ngành hàng lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực và theo hướng bền vững thông qua phát triển vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tỉnh chú trọng áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất, chuyển dịch cơ cấu giống sang nhóm giống chất lượng cao.
Không chỉ An Giang hay Đồng Tháp, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều rất tích cực và chủ động tham gia đề án này với mong muốn đổi mới ngành hàng trọng tâm của khu vực.
Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị ngày càng rõ, song ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng thách thức lớn nhất là nhận thức của nông dân, doanh nghiệp. Bởi đây là đối tượng sản xuất trực tiếp trong ngành hàng lúa gạo.
Ông Nguyễn Như Cường cho biết Bộ cũng có các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, phát triển hạ tầng để thay đổi về tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp trong đề án. Ngành trồng trọt cũng sẽ hoàn thiện kỹ thuật để giảm vật tư đầu vào, giảm chi phí, giúp tăng giá trị sản phẩm; các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào nông dân hợp tác xã để tạo động lực cho họ thay đổi nhận thức, tư duy, phương thức sản xuất. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò động lực, đầu tàu trong thực hiện đề án.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, bày tỏ may mắn khi tham gia đề án này là nhiều năm qua tập đoàn đã đi theo mục tiêu bảo đảm năng suất, nâng cao thu nhập, vị thế nông dân, xây dựng vùng nông thôn đáng sống và nay sẽ thêm tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính.
"Các vùng sản xuất lúa sẽ quy hoạch vào đề án đều là những vùng mà tập đoàn có quan hệ trong sản xuất, liên kết hay vùng nguyên liệu mẫu của tập đoàn. Nay, tập đoàn tham gia với tư cách làm cân bằng lợi ích giữa các bên trong chuỗi giá trị lúa gạo," ông Huỳnh Văn Thòn cho hay.
Ông Huỳnh Văn Thòn cũng cho biết Tập đoàn đã nhận tham gia đề án với diện tích lúa 365.000 ha. Tại các vùng đó, tập đoàn sẽ đưa toàn bộ các giải pháp bảo vệ cây trồng đến nông dân để bảo đảm về năng suất, giá sản phẩm. Tham gia cùng tập đoàn, nông dân được đầu tư toàn bộ giống, vật tư đầu vào với tiêu chí đúng, đủ, giảm chi phí, bảo vệ môi trường. Nông dân sản xuất được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ: máy gặt, máy cày, máy cuộn rơm, máy sạ... với tiêu chí sản xuất là mặt ruộng không dấu chân. Nông dân được nợ chi phí đến cuối vụ và khấu trừ vào tiền bán lúa. Đây được gọi là tiêu chí canh tác không dùng tiền mặt của tập đoàn.
"Nhà nước mong muốn lợi nhuận cho nông dân 30%, nhưng tập đoàn luôn đảm bảo lợi nhuận cho nông dân cao hơn con số đó rất nhiều," ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, Đề án sẽ được triển khai đồng loạt với các giống lúa xác nhận, sản xuất theo hướng đa giá trị. Điều này không những đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo vùng nguyên liệu cho chế biến công nghiệp và dinh dưỡng cho người tiêu dùng mà còn đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Thực hiện đề án sẽ xây dựng được thương hiệu lúa gạo giảm phát thải để nâng cao giá trị hạt gạo Việt./.