Một số ngầm tràn bị ngập, Quảng Trị dự kiến sơ tán hàng nghìn hộ dân

Cơ quan chức năng đã đặt biển cảnh báo và rào chắn các ngầm tràn, đập tràn bị ngập lụt và nghiêm cấm phương tiện, người đi qua, mưa lớn cũng khiến một số tuyến đường ở vùng thấp trũng bị ngập cục bộ.

Các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa Tùng hỗ trợ người dân di chuyển tàu thuyền nhỏ vào nơi trú ẩn an toàn. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, do ảnh hưởng của bão số 6 từ sáng sớm 27/10 đến đêm 28/10 trên địa bàn tỉnh có có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, có nơi trên 400mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100mm trong 3 giờ.

Trong sáng 27/10, một số nơi trên địa bàn Quảng Trị có mưa rất to, tổng lượng mưa vượt 100mm như Hải An (Hải Lăng) 159mm, Cửa Tùng (Vĩnh Linh) 153mm, La Tó (Đakrông) 113mm.

Mưa lớn làm một số ngầm tràn, đập tràn bị ngập lụt như: Đakrông, Tà Rụt-A Ngo trên Quốc lộ 15D đoạn qua huyện Đakrông khiến giao thông chia cắt; đập tràn Đại Độ ở Khu phố 5, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà; đập tràn Thái Lai, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong cũng bị ngập.

Cơ quan chức năng đã đặt biển cảnh báo và rào chắn các ngầm tràn, đập tràn bị ngập lụt và nghiêm cấm phương tiện, người đi qua để đảm bảo an toàn. Ngoài ra mưa lớn cũng khiến một số tuyến đường ở vùng thấp trũng bị ngập cục bộ.

Để ứng phó với mưa lớn, tỉnh dự kiến sơ tán tránh ngập lũ trên báo động 3 gồm 9.012 hộ với 35.159 nhân khẩu; sơ tán dân tránh lũ quét gồm 2.393 hộ với 9.683 nhân khẩu tại 36 xã thuộc các huyện, thị: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà; sơ tán, di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất gồm 1.295 hộ với 5.924 nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh và Vĩnh Linh.

Tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở; nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ. Vận động người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7-10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với mưa lũ kéo dài.

Tỉnh hiện còn khoảng 840 ha lúa rẫy, hơn 1.200 ha hoa màu, khoảng 2.268 ha nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch. Tỉnh chỉ đạo các địa phương có biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn đối với thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình nhằm phát hiện và khắc phục sửa chữa, tu bổ kịp thời hư hỏng; cập nhật phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đối với các hồ đập; phương án hộ đê tại các khu vực xung yếu đối với tuyến đê, kè để chủ động trong công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Các địa phương sắp xếp neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn; sẵn sàng triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy)./.