Một số địa phương đề xuất không sắp xếp đơn vị hành chính do yếu tố đặc thù
Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp do yếu tố đặc thù là 19/30 cấp huyện, chiếm tỷ lệ 63,33% và 515/1.253 cấp xã (41,10%).
Bộ Nội vụ cho biết đến ngày 31/12, tất cả 56/56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương liên quan, Bộ Nội vụ đã ban hành 56 văn bản tham gia ý kiến đối với Phương án tổng thể của các địa phương.
Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đề án sắp xếp để tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua Hội đồng Nhân dân các cấp theo quy định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Tổng hợp từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành phố cho thấy tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị, gồm 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị.
Tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 19 đơn vị.
Tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị, gồm 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị.
Tổng số đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 515 đơn vị.
Lâm Đồng là địa phương có tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp nhiều nhất với 7 huyện, thành thị, tiếp theo là Bắc Giang, Điện Biên, Hà Tĩnh cùng có 4 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp.
Địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp nhiều nhất là Hà Nội với 152 xã, phường, thị trấn.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, các địa phương đã chủ động, tích cực quán triệt và triển khai nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn; đã xây dựng Kế hoạch, ban hành Chỉ thị của tỉnh/thành ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương; thành lập Ban Chỉ đạo về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do Bí thư tỉnh/thành ủy hoặc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố làm Trưởng ban.
Công tác xây dựng phương án tổng thể được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt theo quy định của Đảng và pháp luật, phù hợp với thực tiễn ở địa phương.
Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan trung ương góp ý cụ thể Phương án tổng thể của từng địa phương, làm cơ sở để địa phương xây dựng đề án, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Số lượng đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp trên tổng số đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp đạt 166,66% đối với cấp huyện (50/30) và 99,20% đối với cấp xã (1.243/1.253).
Trong đó, một số địa phương ngoài việc sắp xếp các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp còn đề xuất sắp xếp số lượng lớn các đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích, liền kề.
Đơn cử như Bắc Giang thực hiện sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện khuyến khích và 32 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó 24 đơn vị thuộc diện sắp xếp và 8 đơn vị khuyến khích.
Lâm Đồng thực hiện sắp xếp 7 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 2 đơn vị khuyến khích và 3 đơn vị liền kề; 18 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 2 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 9 khuyến khích và 7 liền kề.
Bộ Nội vụ cho biết có 30/56 địa phương gửi Phương án tổng thể chậm so với thời hạn quy định. Một số bộ, ngành Trung ương còn chậm hoặc không có ý kiến tham gia về Phương án tổng thể của các địa phương.
Bên cạnh việc đề xuất sắp xếp nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo diện khuyến khích, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là khá lớn: 19/30 cấp huyện, chiếm tỷ lệ 63,33% và 515/1.253 cấp xã, chiếm tỷ lệ 41,10%.
Việc xác định các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng cũng rất phức tạp do phải rà soát, thu thập các tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp đơn vị hành chính chỉ còn khoảng 6 tháng. Trong khi đó, do việc sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung quan trọng, phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu.
Do số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp nhiều và diễn ra đồng thời với việc thực hiện chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật về tinh giản biên chế tạo ra áp lực lớn cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp./.