Một số công trình lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân sẽ gặp khó khăn
Theo Cục trưởng Cục Thủy lợi, do năm nay, tiết Lập Xuân cộng với việc lấy nước đợt 1 trước Tết Nguyên đán dài ngày nên việc lấy nước cũng như giữ nguồn nước lấy được là nhiệm vụ khó khăn.
Chiều 14/12, Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cung cấp thông tin tình hình nguồn nước và nhận định về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; công tác điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023-2024.
Theo ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, do năm nay, tiết Lập Xuân cộng với việc lấy nước đợt 1 trước Tết Nguyên đán dài ngày nên việc lấy nước cũng như giữ nguồn nước lấy được là nhiệm vụ rất khó khăn với ngành.
Ngành sẽ có các chỉ đạo, điều hành cũng như phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các địa phương nhằm đảm bảo việc lấy nước làm sao đạt hiệu quả nhất để tiết kiệm nguồn nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Về lịch lấy nước cho vụ Đông Xuân ở Trung du Đồng bằng Bắc Bộ, vụ Đông Xuân 2023-2024 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận hành và Tưới tiêu sẽ có tổng cộng 12 ngày với 2 đợt. Đợt 1: Từ 0 giờ ngày 23/1 đến 24 giờ ngày 30/1/2024 (8 ngày); đợt 2: Từ 0 giờ ngày 18/2 đến 24 giờ ngày 21/2/2024 (4 ngày).
Đợt 1, các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện để tăng cường nguồn nước về hạ du (mực nước dự kiến trung bình đạt khoảng 1,7-1,9m tại trạm thủy văn Hà Nội). Đợt 2 các hồ chứa thủy điện vận hành bảo đảm dòng chảy đủ để đẩy mặn, mực nước cho các trạm bơm dã chiến và các công trình đã được nâng cấp hoạt động (mực nước tại Trạm thủy văn Sơn Tây trung bình khoảng 1,8-2m.
Tổng lượng xả dự kiến khoảng 3,5 tỷ m3, thấp hơn vụ Đông Xuân 2022-2023 khoảng 0,12 tỷ m3.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, dự kiến một số công trình lấy nước gặp khó khăn như Trạm bơm Trung Hà, Cống Liên Mạc không đủ điều kiện lấy nước trong cả 2 đợt, cần khẩn trương xây dựng trạm bơm dã chiến hoặc có giải pháp nguồn nước thay thế.
Các trạm bơm mới được nâng cấp Bạch Hạc, Đại Định, Liễu Trì, tỉnh Vĩnh Phúc, đủ điều kiện vận hành trong cả 2 đợt, nhưng các trạm bơm này công suất nâng cấp mới chỉ đạt 50% so với yêu cầu, do vậy khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ lấy nước.
Cống Xuân Quan (hệ thống Bắc Hưng Hải) sẽ gặp khó khăn lấy nước trong đợt 2 do mực nước thấp.
Với tình hình và lịch lấy nước trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng khuyến cáo các địa phương cần nỗ lực lấy nước ngay từ đợt 1 để đảm bảo diện tích có nước cao nhất có thể. Do thời gian trữ nước kéo dài, các địa phương cần hướng dẫn nông dân trữ nước vào các vùng trũng, đầm, ao, hồ… và làm đất sớm. Sau Tết Nguyên đán, các địa phương cần tổ chức nông dân gieo cấy nhanh chóng để tránh thất thoát nước.
Về tình hình nguồn nước chung, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết các hồ chứa thủy lợi hiện đang ở mức từ 84,5-92% dung tích thiết kế; trong đó, thấp nhất là khu vực Bắc Bộ có dung tích trung bình đạt 84,5% dung tích thiết kế.
El-Nino dự báo tiếp tục duy trì với xác suất trên 95% đến tháng 2/2024 và có thể kéo dài đến giữa năm 2024. Vào thời gian này, có thể nguồn nước trong hồ chứa hao hụt nhanh, có thể có nguy cơ hạn hán, nhưng nguy cơ không cao và không xảy ra diện rộng.
“Nhìn chung, nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất, dân sinh vụ Đông Xuân 2023-2024. Trường hợp nắng nóng do El-Nino, nguy cơ xảy ra hạn hán trong vụ Hè Thu 2024 ở Trung Bộ,” ông Hùng nhận định.
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nhiều khả năng sẽ xảy ra sớm hơn và gay gắt hơn mùa khô năm 2022-2023, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Tháng 12 này, xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi.
Đỉnh xâm nhập mặn xuất hiện từ tháng 1/2024 đến đầu tháng 3/2024 ở sông Cửu Long (ranh 4g/l từ 50-70km), tháng Ba đến đầu tháng 5/2024 ở sông Vàn Cỏ (ranh 4g/l từ 90-100km). Nguy cơ xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 56.260ha lúa ở các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng; 43.300ha cây ăn trái ở: Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng./.