MONO vào vai Xuân Tóc đỏ trong bản điện ảnh của “Số đỏ”
Đây là lần hai tiểu thuyết trứ danh này được chuyển thể thành phim điện ảnh, lần đầu do Hãng Phim truyện Việt Nam thực hiện, lần này Phan Gia Nhật Linh đảm nhiệm vai trò đạo diễn, biên kịch.
Sẽ có một phiên bản điện ảnh cho “Số đỏ,” chuyển thể từ tiểu thuyết trào phúng cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Dự án vừa được giới thiệu tại Chợ dự án Asia TV Forum (ATF) năm 2024, đang diễn ra tại Singapore.
“Số đỏ” bản điện ảnh do Phan Gia Nhật Linh (tác giả của Cô gái đến từ hôm qua, Em và Trịnh) viết kịch bản và làm đạo diễn, Anh Tễu Studio và Beach House Pictures, Fremantle sản xuất, CJ CGV phát hành. Tên quốc tế của phim lấy theo tựa truyện bản tiếng Anh “Dumb luck.”
Các trang tin điện ảnh và giải trí quốc tế nổi bật như The Hollywood Reporter, Deadline, Screen Daily... đồng loạt chia sẻ thông tin về phim ngày 5/12.
Chia sẻ với Deadline, Christian Vesper - Giám đốc mảng phim chính kịch (Global Drama & Film) của Fremantle bày tỏ sự hào hứng khi là một phần của công tác sản xuất, làm nên một bộ phim từ tiểu thuyết đầy tính biểu tượng như thế này.
Conor Zorn, trưởng bộ phận kịch bản tại Beach House Pictures nhận xét chủ đề và chất châm biếm đầy sắc sảo của “Số đỏ” vẫn còn tác động sâu sắc đến cuộc sống ngày nay. “Chúng tôi rất mừng khi hợp tác với một trong những người kể chuyện tốt nhất tại Việt Nam - đạo diễn Linh - và đưa tác phẩm đáng chú ý này lên màn ảnh lớn,” Zorn chia sẻ thêm.
Theo những thông tin ban đầu, nam ca sỹ MONO sẽ vào vai chính Xuân Tóc đỏ. Trong tiểu thuyết gốc, nhân vật phản ánh sự suy đồi của kẻ mưu mô, bất chấp đạo đức để chen chân vào tầng lớp danh giá.
Ở các bản phim chuyển thể trước đây, vai này do Quốc Trọng trong “Số đỏ” (1990, Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất) và Việt Bắc trong bản truyền hình “Trò đời” (2013, VFC sản xuất) thủ vai.
Ra mắt cách đây gần 90 năm nhưng tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng vẫn thường xuyên được nhắc do còn nóng hổi tính thời sự và nổi bật với chất hiện thực, trào phúng.
Tác phẩm phản ánh và phê phán mặt tiêu cực cũng như bi hài của tầng lớp tiểu tư sản Hà Thành trong bối cảnh xã hội nửa thực dân-nửa phong kiến tại Việt Nam khi đứng trước các trào lưu “Tây hóa” đầu thế kỷ 20.
Truyện từng được xuất bản đi các quốc gia như Trung Quốc, Đức, Mỹ, Anh, Séc… và nhận về các phản ứng tích cực./.