Mong được chở du khách tham quan Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm “đúng phép”
Do thay đổi đơn vị quản lý mặt hồ, từ năm 2020 đến nay, hoạt động của Hợp tác xã Du thuyền hồ Tuyền Lâm bỗng nhiên trở thành “trái phép” dù đã nhiều lần làm đơn xin được hoạt động “đúng phép” trở lại.
Đã 30 năm qua, trên mặt hồ của Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đã hình thành dịch vụ chở khách đi ngắm cảnh bằng du thuyền của hàng chục hộ dân sống ven hồ.
Ban đầu hình thành tự phát, sau đó các hộ này đã quy tụ thành Hợp tác xã Du thuyền hồ Tuyền Lâm và hoạt động đúng luật pháp, mỗi năm nộp ngân sách nhà nước 600-700 triệu đồng.
Do thay đổi đơn vị quản lý mặt hồ, từ năm 2020 đến nay, hoạt động của Hợp tác xã bỗng nhiên trở thành “trái phép” dù đã nhiều lần làm đơn xin được hoạt động “đúng phép” trở lại.
Nghề “cha truyền con nối” đưa du khách đi ngao du lòng hồ
Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt, Lâm Đồng) được xây dựng vào những năm 1985-1986. Đến năm 1998, hồ được công nhận là Di tích Lịch sử Thắng cảnh quốc gia và đến năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận Khu Du lịch Quốc gia.
Vậy nhưng từ những năm 1990, khu vực này đã bắt đầu hình thành một ngành nghề mới, nghề lái thuyền chở du khách đi vãn cảnh trên mặt hồ.
Cụ Lê Tự Đô, 75 tuổi là thành viên Ban quản trị Hợp tác xã Du thuyền hồ Tuyền Lâm kể lại ban đầu thấy khách du lịch tới tham quan có nhu cầu đi vãn cảnh lòng hồ, nên mấy gia đình ven hồ bàn nhau mua sắm thuyền chở du khách đi chơi, kiếm tiền cải thiện cuộc sống.
Dần dần, việc này đã trở thành nghề kiếm sống chính của các hộ dân sinh sống xung quanh hồ. Đến nay, đã có 52 hộ dân sống bằng nghề này.
Riêng gia đình cũng có con trai và con rể theo nghề của cụ, chạy thuyền chở du khách kiếm tiền, nuôi sống cả gia đình hàng chục năm qua.
Ông Phạm Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Du thuyền hồ Tuyền Lâm cho biết ban đầu nghề này chỉ là hoạt động tự phát. Đến năm 2008, các hộ này đã tập hợp lại và đăng ký hoạt động thành Hợp tác xã.
Hơn 10 năm qua, Hợp tác xã hoạt động đúng quy định của pháp luật, ký hợp đồng với đơn vị quản lý hồ Tuyền Lâm để sử dụng mặt nước hồ. Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã hoạt động ổn định và hiệu quả, luôn đảm bảo an toàn cho du khách.
Phương tiện Hợp tác xã sử dụng đều được đăng ký, đăng kiểm theo quy định và được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật. Người điều khiển phương tiện đều có chứng chỉ chuyên môn theo quy định và chưa từng xảy ra sơ xuất về chuyên môn. Đơn vị luôn hoàn thành nghĩa vụ thuế, phí sử dụng mặt nước.
Hiện nay, Hợp tác xã là đơn vị duy nhất phục vụ du khách tham quan lòng hồ Tuyền Lâm. Hợp tác xã đã ký hợp đồng dài hạn với các công ty lữ hành phục vụ du khách trong và ngoài nước; cung ứng dịch vụ cho khoảng 300 lượt khách/ngày, chủ yếu là khách Hàn Quốc. Hợp tác xã còn hợp đồng với các khu nghỉ dưỡng ven hồ và phục vụ khách vãng lai.
Năm 2021, Hợp tác xã được Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; được Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận là Hợp tác xã điển hình tiên tiến.
Từ đội thuyền tự phát năm 1995, doanh nghiệp đã tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, thú vị riêng của Đà Lạt; góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến với du khách.
... Bỗng dưng trở thành hoạt động trái phép
Sau khi thành lập, Hợp tác xã Du thuyền hồ Tuyền Lâm đã ký hợp đồng sử dụng mặt nước với Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác Thủy lợi Lâm Đồng, khi đó là đơn vị quản lý hồ Tuyền Lâm. Thời hạn của hợp đồng từ 1/1/2017 tới ngày 31/12/2021.
Tuy nhiên tới tháng 11/2020, Hợp tác xã nhận được thông báo của Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác Thủy lợi tỉnh yêu cầu chấm dứt hợp đồng (trước thời hạn 1 năm) do hồ Tuyền Lâm đã bàn giao cho Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Tháng 12/2020, Hợp tác xã Du thuyền hồ Tuyền Lâm đã có Báo cáo số 43/BC-HTX gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Ban quản lý Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm cùng các sở, ngành liên quan.
Nội dung Báo cáo đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết cho Hợp tác xã tiếp tục được sử dụng mặt nước hồ Tuyền Lâm để hoạt động kinh doanh; chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn các thủ tục để được hoạt động kinh doanh đúng quy định hiện hành.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Đức, văn bản kiến nghị của Hợp tác xã không được cơ quan, đơn vị nào trả lời, nên doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động từ năm 2020 đến nay và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Nhưng khoản phí sử dụng mặt nước hồ Tuyền Lâm thì đơn vị không biết phải nộp cho ai, nên vẫn giữ lại trong tài khoản của doanh nghiệp.
Đến ngày 23/4/2024, bất ngờ Hợp tác xã Du thuyền hồ Tuyền Lâm nhận được Thông báo số 159/TB-BQL của Ban Quản lý Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, yêu cầu chấm dứt hoạt động dịch vụ trên mặt nước hồ Tuyền Lâm từ ngày 25/4/2024.
Thông báo này căn cứ văn bản số 2979/UBND-TH2 ngày 17/4/2024 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng với nội dung “Yêu cầu các tổ chức, cá nhân chấm dứt ngay hoạt động dịch vụ trên mặt nước hồ Tuyền Lâm trước ngày 25/4/2024.”
Lý do có văn bản này vì Ban Quản lý Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh cho phép thu tiền phí của các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ trên mặt nước hồ Tuyền Lâm. Nhưng Ủy ban Nhân dân tỉnh xác định Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi tại khu vực hồ Tuyền Lâm chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên không thể tổ chức đấu giá quyền thuê mặt nước để hoạt động dịch vụ tại khu vực và thu phí.
Được gỡ khó nhưng vẫn phải dừng hoạt động
Tại cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp gặp khó khăn với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 20/5 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Tuyến, Giám đốc Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm cho biết Hợp tác xã hiện phải dừng hoạt động do Ban Quản lý chưa thể ký hợp đồng kinh doanh với Hợp tác xã.
Theo quy định, Ban Quản lý Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm phải xây dựng Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi tại khu vực hồ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Sau khi Đề án được phê duyệt thì Ban Quản lý mới được phép tổ chức đấu giá quyền thuê mặt nước hoạt động dịch vụ và ký hợp đồng với đơn vị trúng đấu giá.
Tuy nhiên từ năm 2016, đơn vị đã bắt đầu lập, trình phê duyệt Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Trong thời gian chờ Đề án được phê duyệt, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh cho tạm thu phí với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên mặt hồ, tạm nộp vào tài khoản.
Sở Tài chính đồng ý với đề xuất này song không được Ủy ban Nhân dân tỉnh chấp thuận; đồng thời Ủy ban Nhân dân tỉnh ra văn bản số 2979, yêu cầu Ban Quản lý chấm dứt ngay hoạt động dịch vụ của các tổ chức, cá nhân trên mặt nước hồ Tuyền Lâm.
Sau khi nghe ý kiến của các bên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với các hộ dân là thành viên của Hợp tác xã Du thuyền hồ Tuyền Lâm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Phúc cho biết không thể đồng ý gia hạn hoạt động kinh doanh trên hồ Tuyền Lâm trong thời gian hoàn thiện thủ tục bởi luật không cho phép. Nếu tỉnh gia hạn không đúng quy định, để xảy ra sai sót liên quan đến tính mạng du khách thì không ai gánh nổi trách nhiệm.
Để xử lý việc này, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các đơn vị sớm tiến hành khảo sát an toàn lòng hồ, lập bến đường thủy nội địa theo quy định; Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm đẩy nhanh việc trình quy hoạch và hoàn thiện Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi tại khu vực hồ để sớm có thể tổ chức đấu giá quyền sử dụng mặt nước hồ Tuyền Lâm; ký kết hợp đồng nhằm nối lại hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên mặt hồ.
Trong khi đó sáng 24/5/2024, Hợp tác xã Du thuyền hồ Tuyền Lâm đã tổ chức họp các thành viên, thông báo kết quả làm việc của đại diện đơn vị với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh và yêu cầu ngừng hoạt động.
Các thành viên Hợp tác xã cho biết việc Ủy ban Nhân dân tỉnh không cho phép các du thuyền tiếp tục hoạt động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn sống của hàng trăm người dân sống ven hồ Tuyền Lâm.
Ngoài ra, Hợp tác xã có thể sẽ phải bồi thường các hợp đồng đã ký với các công ty lữ hành trước đó về cung cấp dịch vụ vận chuyển khách trên hồ; nguy cơ doanh nghiệp phải giải thể; gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho các hộ dân đã đầu tư phương tiện./.