Mối lo khi 3 năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm cuối thực hiện giai đoạn 1 của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Hiện nay, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân số còn nhiều khó khăn thách thức như trong 3 năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), cụ thể năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ con, ước tính năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ, đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác Dân số năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác Dân số năm 2025, do Bộ Y tế tổ chức ngày 27/12 tại Hà Nội.

Nguồn lực bố trí cho các hoạt động của công tác dân số còn thấp

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay công tác dân số năm 2024 tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Bộ Y tế.

Theo Cục trưởng Cục Dân số: “Mặc dù với sự cố gắng của cả hệ thống làm công tác dân số từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên, theo tổng hợp báo cáo từ các tỉnh/thành phố cho thấy, chúng ta chỉ hoàn thành 1/3 chỉ tiêu được giao đó là Tuổi thọ trung bình thực là 74,5 tuổi, đạt vượt chỉ tiêu kế hoạch (73,8 tuổi); 2 chỉ tiêu về tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh và Tổng tỷ suất sinh không hoàn thành. Các chỉ tiêu chuyên môn chúng ta mới chỉ hoàn thành 1/8 chỉ tiêu đó là tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại.”

Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay công tác dân số trong năm qua đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: Hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Dân số để Báo cáo Chính phủ xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2025; Báo cáo sơ kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; Báo cáo rà soát quy định có liên quan đến chính sách dân số và xử lý vi phạm chính sách dân số và kiến nghị việc sửa đổi để đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Báo cáo thực trạng và xu hướng mức sinh tại Việt Nam và các yêu cầu, nhiệm vụ về công tác dân số theo sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 15/8/2024 về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới.

Đặc biệt, nhiều địa phương đã tham mưu và được Hội đồng nhân dân thông qua và ban hành Nghị quyết về chính sách dân số, chính sách khen thưởng, khuyến khích, hỗ trợ cho tập thể, cá nhân và chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác dân số của địa phương. Các hoạt động chuyên môn về truyền thông-giáo dục, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương tạo sự lan tỏa tốt tới cộng đồng, người dân.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng trong 3 năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), cụ thể năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, ước tính năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ. Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (ước năm 2024 là 112/100). Vấn đề về nâng cao chất lượng dân số, phát huy vai trò và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số; vấn đề truyền thông vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho người dân còn nhiều bất cập. Nguồn lực cả trung ương và địa phương đầu tư, bố trí cho các hoạt động của công tác dân số thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về dân số trong tình hình mới.

Đặc biệt, Bộ máy tổ chức làm công tác dân số tại Trung ương cũng như địa phương có sự thay đổi... là những nguyên nhân dẫn đến 2/3 chỉ tiêu cơ bản được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tỉ số giới tính khi sinh, tổng tỷ suất sinh) và 7/8 chỉ tiêu chuyên môn năm 2024 giao cho lĩnh vực dân số đều chưa đạt theo kế hoạch đề ra...

Từng bước tìm ra các giải pháp quyết liệt cho năm 2025

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm cuối thực hiện giai đoạn 1 của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Để từng bước tìm ra các giải pháp quyết liệt cho năm 2025 và những năm tiếp theo nhằm đạt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được Chính phủ giao, đặc biệt là về những vấn đề mới, những vấn đề mang tính bước ngoặt của công tác dân số Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 các đơn vị có liên quan cần triển khai nhiều biện pháp cụ thể.

Bộ Y tế đề nghị các Bộ: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và và trình cấp có thẩm quyền ban hành các Đề án về dân số được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ; Tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành dự thảo Luật Dân số để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025) nhằm đưa Nghị quyết 21-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống.

Trong công tác xây dựng các chính sách liên quan đến dân số trong tình hình mới, các đơn vị có liên quan cần xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản bãi bỏ hoặc ngưng hiệu lực đối với quy định về số con của Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 ngày 27/12/2008 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh số 06/2023/PL-UBTVQH1 ngày 09/01/2003 sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị; Chủ động xây dựng 3 đề án được giao tại Nghị quyết số 68 NQ/CP ngày 9/5/2024 của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền. Tổ chức đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam; sơ kết, tổng kết các chương trình, đề án về dân số đã được Thủ tướng phê duyệt để đề xuất điều chỉnh và thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

Với các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tham mưu trình hội đồng nhân dân Nghị quyết về chính sách dân số, chế độ cho cán bộ làm công tác dân số, tiếp tục ổn định tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác dân số ở cấp tỉnh, huyện, xã đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới. Chủ động việc đề xuất với cấp ủy đưa các chỉ tiêu về dân số vào nghị quyết đại hội đảng các cấp ở địa phương.

Trong công tác truyền thông, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, làm cho đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số và phát triển lan tỏa, thấm sâu trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc chuyển hướng chính sách dân số từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Thúc đẩy phong trào nhân dân thực hiện mỗi gia đình sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, không lựa chọn giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số về cả thể chất, trí tuệ và tinh thần./.