Mối liên kết thương mại Mỹ-Trung Quốc đang ngày càng tách rời
Chuyên gia cho rằng tỷ lệ nhập khẩu giảm đại diện cho sự “mất kết nối” thực sự, có khả năng gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Mỹ và thúc đẩy Trung Quốc mở rộng liên kết sang các quốc gia khác.
Theo một nghiên cứu mới được công bố ngày 26/8, tại Hội nghị Jackson Hole do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tổ chức, thương mại của Mỹ đang ngày càng tách rời Trung Quốc, do ảnh hưởng từ các chính sách kinh tế mà hai chính quyền Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã áp dụng.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng liên kết với Trung Quốc chưa hẳn đã giảm đi và người tiêu dùng đang phải đối mặt với chi phí cao hơn.
Chuyên gia Laura Alfaro, nhà Kinh tế học tại Trường Kinh doanh Harvard, và Phó Giáo sư Davin Chor tại Trường Kinh doanh Tuck ở Dartmouth, nhận định, bất chấp những lo ngại về phi toàn cầu hóa sau đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, thương mại Mỹ-Trung về tổng thể “vẫn ổn định ở mức dưới 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, thay vì chìm vào tình trạng rơi tự do."
Nhưng mức thuế cao mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đi kèm với các chính sách công nghiệp thắt chặt được ban hành gần đây và đại dịch COVID-19, đã tạo ra một sự tái phân bổ lớn trong hoạt động của chuỗi cung ứng. Kết quả là nguồn cung hàng hóa trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm từ mức 21,6% vào năm 2016, xuống còn 16,5% vào năm 2022.
[Mỹ-Trung Quốc cần phải đối thoại trực tiếp về những quan ngại kinh tế]
Hai tác giả cho rằng sự chuyển dịch này đang gây tổn hại tới người tiêu dùng, khi giá nhiều loại hàng hóa khác nhau tăng, trong khi không có lợi ích bù đắp nào được quan sát thấy, ví dụ như cải thiện hiệu quả sản xuất tại Mỹ.
Thậm chí, các tác giả cho rằng tỷ lệ nhập khẩu giảm đại diện cho sự “mất kết nối” thực sự, có khả năng gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Mỹ và thúc đẩy Trung Quốc mở rộng liên kết sang các quốc gia khác.
Về cơ bản, khi Trung Quốc liên kết với các nền kinh tế khác, Mỹ vẫn có thể kết nối gián tiếp với nước này thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại với các nước bên thứ ba. Nhưng giá cả tại một số nước bắt đầu tăng.
Theo chuyên gia Alfaro và Phó Giáo sư Chor, đã có những lo ngại về việc chuỗi cung ứng trải rộng có thể khiến các công ty và nước Mỹ đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn cung ứng, khi gặp các vấn đề như đại dịch hoặc thời tiết khắc nghiệt và cả những “cú sốc” chính trị, như thuế quan.
Nghiên cứu kết luận việc Washington liên tiếp đưa ra các chính sách thắt chặt thương mại với Trung Quốc, nhằm tìm kiếm nguồn cung ứng mới và khuyến khích thay đổi đầu vào trong nước, nhiều khả năng làm tăng thêm áp lực về lương và chi phí cho chính quốc gia này./.