Mối liên hệ đặc biệt giữa “Hà Nội-mùa Đông 46” và “Đào, phở và piano”
Đều lấy bối cảnh Thủ đô cuối năm 1946, nhưng mỗi phim chọn khắc họa những nét rất riêng của hai mốc đầu và cuối trong cuộc chiến bảo vệ thành Hà Nội hùng tráng trong lịch sử.
Hai đạo diễn Phi Tiến Sơn (phim Đào, phở và piano) và Đặng Nhật Minh (phim Hà Nội-mùa đông 46) đã hội ngộ trong buổi giao lưu sáng ngày 3/3, tại không gian văn hóa Cà phê thứ Bảy, nhân “cơn sốt” “Đào, phở và piano” thời gian qua.
Cuộc gặp thu hút nhiều khán giả trẻ quan tâm các vấn đề lịch sử và yêu mến các bộ phim. Nhiều khán giả thích thú trước sự liên quan mới mẻ và tương đồng giữa hai bộ phim, bên cạnh việc có cùng bối cảnh lịch sử.
Sự "mở đầu" và "kết thúc"
“Hà Nội-mùa đông 46” cùng với “Đào, phở và piano” có mối liên hệ đặc biệt. Cả hai đều do những người con sinh ra trên đất Hà Nội thực hiện, cùng lấy bối cảnh lịch sử xung quanh 63 ngày đêm kháng chiến bảo vệ thành Hà Nội trước sự trở lại của thực dân Pháp sau khi phe Phát xít đầu hàng Đồng Minh.
Tuy nhiên, một phim chọn những ngày trước khi bước vào kháng chiến, một phim chọn cái kết của những ngày tháng ấy.
“Hà Nội-mùa đông 46” kể chuyện về Hà Nội trong những ngày cuối trước khi Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12). Nhân dân miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội, sục sôi mong muốn đánh trả trước những hành vi gây hấn ngày một nghiêm trọng của lính Pháp.
Bấy giờ đạo diễn Đặng Nhật Minh là người hiếm hoi được nhận trọng trách làm phim về nhân vật có thật, lại là lãnh tụ. Nội dung phim thể hiện tư tưởng hòa hiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc chiến này.
“Chính những bức thư cụ Hồ gửi Jean Sainteny [người đại diện chính phủ Pháp tại Đông Dương từ 1945-1946] thể hiện rất rõ tư tưởng ấy. Người nước ngoài đọc sử Việt cứ nghĩ người Việt Nam thích đánh nhau, vì chúng ta thắng đế quốc Pháp, Mỹ nhưng không phải. Chính tư tưởng hiếu hòa ấy là lý do phim đi rất nhiều nước Pháp, Canada, Ấn Độ… và được khán giả nước bạn yêu mến,” nhà làm phim 85 tuổi kể.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh rất nhớ chuyện khán giả Ấn Độ đặt Chủ tịch Hồ Chí Minh vào so sánh với lãnh tụ tinh thần Gandhi. Sự giống nhau giữa hai người chính là thái độ hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, dẫu là với ta hay địch đều không muốn ai phải đổ máu.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn thì mượn bối cảnh những ngày cam go của chuỗi 63 ngày đêm. Đối với nhiều khán giả, chủ nghĩa anh hùng và chủ nghĩa lãng mạn đã quyện làm một trong “Đào, phở và piano.”
“Điều tôi tâm đắc nhất ở phim là sự tận hiến của mỗi người. Có người chọn thể hiện quyết tâm, phải trả thù, phải thể hiện mình là người hùng. Đó cũng là tận hiến. Nhưng ở đây [trong phim], nó là sự tận hiến đầy hồn nhiên. Nó ‘người’ hơn, chân thực hơn và có lẽ dễ đi vào cảm xúc của khán giả hơn,” đạo diễn Phi Tiến Sơn nói.
Hai câu chuyện dẫu có nhiều điểm khác nhau, nhưng cái chung nhất vẫn là tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam. Cả hai phim cũng không quên nhắc đến những người không phải lính tự vệ, nhưng vẫn “bám thành” vì tình yêu và sự tận hiến với vùng đất lịch sử, giàu tình cảm.
Khó nhất vẫn là xây dựng bối cảnh
Khi làm phim lịch sử, tái hiện bối cảnh là một trong những thử thách hàng đầu. Bối cảnh thuyết phục là tiền đề tối quan trọng cho các công đoạn dàn cảnh, đánh sáng, quay phim… sau đó. Đoàn phim buộc phải có sự đầu tư tỉ mỉ, cẩn thận thì mới giúp phim toát lên đúng chất, đúng không khí của thời điểm được khắc họa.
Phim “Hà Nội-mùa đông 46” được quay năm 1997. Để tái hiện lịch sử, đoàn buộc phải chỉnh sửa và cải tạo nhiều bối cảnh, nhưng thiếu thốn từ đạo cụ, trang phục, đến phim trường, điều kiện tái hiện bối cảnh.
Đơn cử việc tái hiện một toa xe điện cũ hoạt động được. Dẫu toa xe đã sẵn có, nhưng không có bánh xe, không còn hệ thống đường điện, đường ray cũ. Trên thực tế đó, họa sỹ Phạm Quốc Trung của bộ phim phải tính toán sao để xe điện (vốn đã nặng gần 2 tấn) chở được các diễn viên, thiết bị quay và đoàn phim.
“Chúng tôi đi tìm tư liệu nhưng ngay cả Trung tâm Lưu trữ Quốc gia cũng không có. Bánh xe của toa xe bấy giờ không thể tải nổi. Tôi được mách đến nhà máy Z121 chuyên sửa chữa xe thiết giáp. Bánh xe tàu điện trong phim chính là bánh dẫn của xe tăng đã được chẻ ra thì mới chịu được sức nặng ấy,” ông Trung kể.
Ông từng thắc mắc vì sao phim cổ trang, lịch sử Trung Quốc nhiều và dễ làm, rồi hiểu rằng họ có phim trường mênh mông, lượng phục trang và đạo cụ dồi dào, thời nào cũng có. "Ở Việt Nam làm phim lịch sử rất khó, tất cả các loại đạo cụ, xe cộ đều phải tự làm, bắt đầu từ con số không," họa sỹ này nói thêm.
Với “Đào, phở và piano” (khởi quay cuối 2022, đóng máy trong 2023), đạo diễn Phi Tiến Sơn muốn tái hiện một góc phố Hà Nội. Nhưng nhìn quanh khu phố cổ bây giờ chẳng còn nổi một dãy 3 nhà cổ nào liền nhau, mà toàn những bảng biển hiệu nhấp nháy xen giữa, các kiến trúc hiện đại và vỉa hè lát đá mới.
Thực tế đó buộc đoàn phim phải tái hiện phim trường từ đầu, có quy mô hàng ngàn mét vuông. “Khi hãng cùng họa sỹ lên giải trình với các cấp trên về việc tại sao phải làm việc này, tại sao có giá thành thế kia… thì vô cùng khó khăn. Nhiều người không hiểu hết những công việc và quá trình này,” đạo diễn kể.
Cụ thể, đoàn phim phải dựng được ngôi nhà xây mới lên rồi phải làm cũ và phá đi, sao cho hiện những mảng gạch vữa, những mảng đen do bom đạn bắn phá. Chưa kể êkíp phải tính toán ra sao để những vật liệu vừa giống thật, vừa nhẹ vừa an toàn, phòng trường hợp đổ, rơi vào các diễn viên và thành viên đoàn.../.