Mở rộng Kiểm toán Nhà nước trong quản lý và xác định giá đất

Hành lang pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng đất đai chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và ổn định.

Việc quản lý và sử dụng đất đai tạo dựng được nguồn lực to lớn cho xây dựng và phát triển hạ tầng, đẩy nhanh đô thị hóa đồng thời là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước đã chủ trì và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo chuyên đề “Quản lý đất đai và xác định giá đất-Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động Kiểm toán Nhà nước,” trong khuôn khổ Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán Nhà nước,” ngày 18/10.

Nhiều hạn chế và vướng mắc

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh Việt Nam có diện tích đất tự nhiên trên đầu người vào loại thấp của thế giới (chỉ đạt khoảng 3.400 m2/người). Do đó, việc quản lý và sử dụng đất đai đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, bền vững vừa là mục tiêu đồng thời là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai luôn là những vấn đề “nóng,” có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân và hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.

[Thành lập Hội đồng Định giá Tài sản trong Tố tụng Hình sự]

Phó Tổng Kiểm toán Hà Thị Mỹ Dung chỉ ra cùng với quá trình đô thị hóa, việc vốn hóa đất đai, phát triển thị trường bất động sản được thực hiện mạnh mẽ. Cụ thể, trong giai đoạn (2017-2021), nguồn thu từ đất đai luôn đóng góp từ 12% đến 14% tổng thu ngân sách Nhà nước. Tại nhiều địa phương, số thu từ đất đai chiếm tới trên 30% ngân sách địa phương và là nguồn vốn chính cho đầu tư công. Đất đai là điều kiện vật chất hàng đầu để thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, dịch vụ. Mặt khác, trong lĩnh vực nông nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất chính và nông nghiệp đang là trụ cột chống đỡ chính của kinh tế trong giai đoạn khó khăn.

Các ý kiến tại hội thảo tập trung vào thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai, định giá đất hiện nay từ kết quả kiểm toán. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, bà Dung cho biết qua kết quả kiểm toán cho thấy việc quản lý, sử dụng đất đai còn nhiều vấn đề hạn chế và vướng mắc. Hành lang pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng đất đai chưa rõ ràng, nhất là sử dụng cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và ổn định lâu dài. Việc thu hồi đất chưa đảm bảo các điều kiện và trình tự, thủ tục theo quy định. Hơn nữa, giá bồi thường còn thấp và chưa sát với giá thị trường. Trong khi đó, việc áp dụng các phương pháp định giá đất trong thực tiễn còn bất cập.

Mở rộng nội dung kiểm toán

Xuất phát từ bối cảnh đó, các ý kiến tại hội thảo tập trung vào thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai, định giá đất hiện nay từ kết quả kiểm toán và thực tiễn tại các địa phương đồng thời đề xuất các giải pháp chủ yếu để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng rất cần thiết thực hiện kiểm toán Nhà nước nhằm đánh giá hiệu quả việc sử dụng đất đối với các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng đất là “đất công,” đất do Nhà nước thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao, cho thuê đất để thực hiện dự án sản xuất-kinh doanh phi nông nghiệp, dự án nhà ở thương mại-đô thị, dự án nhà ở xã hội mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Theo ông Châu, việc kiểm toán xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là cơ sở đánh giá tính hiệu quả của phương thức nộp tiền sử dụng đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm.

Hơn nữa, ông Châu nhấn mạnh việc Nhà nước xác định giá đất, quyết định giá đất là để điều tiết thị trường, do đó không định giá đất “theo đuôi” thị trường để nâng cao “năng lực cạnh tranh quốc gia” trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút nguồn vốn FDI.

“Hiệp hội đề nghị Nhà nước chỉ nên thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hợp tình, hợp lý với quan điểm không tận thu,” ông Châu nói.

Theo tiến sỹ Vũ Đình Ánh, Kiểm toán Nhà nước cần mở rộng nội dung kiểm toán đối với đất đai (trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất, định giá và đấu giá đất, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước); trong đó việc kiểm toán tập trung vào xây dựng và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, đền bù khi thu hồi đất, thực hiện chính sách thuế đất..., đặc biệt là những nội dung liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm và chống tham nhũng lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

Minh bạch hóa việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai của các chủ thể. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Ánh cho rằng cơ chế chính sách đất đai đang trong quá trình hoàn thiện nên có nhiều thay đổi liên tục và to lớn. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước đối với đất đai cần thường xuyên cập nhật sự thay đổi của cơ chế chính sách và có kết luận kiểm toán phù hợp với thời điểm có hiệu lực của cơ chế chính sách, trên cơ sở phát hiện các trường hợp vận dụng sự thay đổi cơ chế chính sách một cách tùy tiện, vụ lợi.

“Kiểm toán Nhà nước là cơ quan của Quốc hội nên các kết luận kiểm toán, kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách không chỉ dừng lại ở bảo vệ lợi ích của cơ quan quản lý Nhà nước mà còn bảo vệ lợi ích hợp pháp, hợp lý của các đối tượng kiểm toán,” ông Ánh nói.

Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Khu vực I-Nguyễn Anh Tuấn cho biết để tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai trong giai đoạn hiện nay phải thực hiện đồng bộ các giải pháp: Thứ nhất là tập trung hoàn thiện việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các Luật có liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai. Thứ hai là phải thực hiện tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đến việc sử dụng đất. Quan trọng là minh bạch hóa việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai của các chủ thể.

Bên cạnh đó, ông Tuấn nhấn mạnh việc hoàn thiện cơ chế, phương pháp định giá đất theo các định hướng và nguyên tắc “giá đất phải tiếp cận và phù hợp với giá thị trường” và nâng cao năng lực, trách nhiệm giải trình của các đơn vị tư vấn định giá đất. Cuối cùng là tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai một cách khoa học, hiệu quả, có chế tài cụ thể để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)