Mo Mường-Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp
Công tác quản lý di tích trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo một số di tích chưa thực hiện đúng quy định về đầu tư và quản lý nhà nước đối với lĩnh vực của ngành.
"Sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ để đề nghị UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp"- đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Đức Hinh tại cuộc làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình ngày 29/8.
Cũng theo ông Bùi Đức Hinh, thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình tiếp tục thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh.”
Các ngành phối hợp xem xét giải quyết, bố trí nguồn lực cho ngành Văn hóa để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng về bảo tồn các di sản văn hóa của tỉnh Hòa Bình.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, trong 9 tháng năm 2024, Sở đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành các Chương trình, Đề án, Kế hoạch nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành.
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch do Sở tổ chức luôn gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách và bước đầu đã đạt được các tiêu chí cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Các hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, ước 8 tháng năm 2024 toàn tỉnh đón trên 3 triệu lượt khách du lịch.Theo bà Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình, hiện nay nguồn lực bố trí cho ngành Văn hóa của tỉnh còn hạn chế.
Công tác quản lý di tích trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo một số di tích chưa thực hiện đúng quy định về đầu tư và quản lý nhà nước đối với lĩnh vực của ngành./.