Mở 'hộp ký ức' để từng câu chuyện cá nhân trở thành những mảnh ghép lịch sử

Trong kỷ nguyên số bùng nổ, ký ức cá nhân góp phần quan trọng trong việc tiếp nối mạch sử, trở thành chất keo trong quá trình bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp.

Đền Ngọc Sơn và Tháp Bút trong quá khứ. (Ảnh tư liệu)

Khi mỗi người mở “chiếc hộp ký ức” và sẵn lòng chia sẻ với cộng đồng thì đó là cách bảo tồn kỷ niệm tốt nhất, để những câu chuyện cá nhân trở thành những mảnh ghép lịch sử.

Đó quan điểm của nhiều diễn giả tại tọa đàm “Hộp ký ức 4.0” do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức ngày 15/11 tại Hà Nội.

Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, ký ức cá nhân không chỉ bao gồm các sự kiện cụ thể mà còn là những ấn tượng, cảm giác, và kiến thức mà con người có được theo thời gian. Trong kỷ nguyên số bùng nổ, việc ký ức cá nhân góp phần quan trọng trong việc tiếp nối mạch sử, trở thành chất keo trong quá trình bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp.

“Tọa đàm được tổ chức với mong muốn kết nối chặt chẽ hơn nữa giới trẻ với tài liệu lưu trữ và ký ức cá nhân trong dòng chảy lịch sử, là dịp để mỗi cá nhân chia sẻ, bàn luận về ‘chiếc hộp’ của riêng mình như một phép ẩn dụ trong viêc lưu giữ ký ức về lịch sử, văn hóa và con người. Qua đó, công chúng tiếp cận ký ức tập thể, bối cảnh, hình ảnh con người Việt Nam qua những thời kỳ lịch sử, từ đó kết nối-chia sẻ giữa quá khứ với hiện tại và tương lai,” bà Hương nói.

Phát biểu tại tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ nói chung và ký ức cá nhân nói riêng.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng chia sẻ là cách bảo tồn di sản tốt nhất. Lấy ví dụ về tư liệu hình ảnh, nếu mỗi người, mỗi nhà chỉ giữ những bức ảnh cho riêng mình thì qua thời gian, tư liệu đó sẽ mất đi hoặc hư hỏng.

“Nhiếp ảnh biến những khoảnh khắc thành vĩnh viễn. Nếu chúng ta khai thác được câu chuyện trong tấm ảnh thì nghiên cứu lịch sử sẽ có tính thuyết phục rất cao,” ông Dương Trung Quốc nói.

Nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman vừa có triển lãm ảnh "Hà Nội một thời để nhớ." (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhiếp ảnh gia người Anh Andy Soloman đồng tình với quan điểm đó. Kể từ khi đến Việt Nam lần đầu năm 1992, ông đã chụp rất nhiều bức ảnh về Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhờ có các tư liệu hình ảnh đó mà nhiều người nước ngoài và thế hệ trẻ có thể hình dung được sự thay đổi ngoạn mục của Việt Nam trong suốt hơn 30 năm qua.

“Tôi đã chứng kiến cuộc sống của người dân khó khăn như thế nào trong những năm 90 và cũng thấy được rằng bất chấp những thiếu thốn, mọi người vẫn duy trì sự lạc quan và tinh thần vươn lên,” ông Andy Soloman chia sẻ.

Tại tọa đàm, các diễn giả cũng đặt ra những vấn đề trong việc lưu trữ hình ảnh thời đại 4.0.

Đạo diễn 9X Trần Vũ Anh (Media 21) chia sẻ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đại diện Media 21, đơn vị tham gia sản xuất nhiều phim tài liệu lịch sử, đạo diễn 9X Trần Vũ Anh cho hay kể từ năm 2019, đơn vị này đã sử dụng công nghệ để phục chế hình ảnh, thực hiện nhiều phim tài liệu chính luận. Chẳng hạn, Media 21 đã kết hợp với nhiều chuyên gia, ứng dụng công nghệ để thực hiện dự án “không ảnh” - chụp các hố bom ở Tây Trường Sơn từ trên cao. Đây là dự án có ý nghĩa lớn bởi qua thời gian, những dấu tích lịch sử này sẽ mất đi.

“Thời gian trôi qua, những nhân chứng, vật chứng lịch sử sẽ dần mất đi, đồng nghĩa với việc những bài học lịch sử sẽ lùi xa vào quá khứ. Đó là lý do chúng ta cần nhìn nhận vai trò của hình ảnh trong việc lưu giữ lịch sử. Tất nhiên, công nghệ chỉ là phương tiện. Chúng ta nên tận dụng công nghệ một cách hợp lý, không để mất tính tự chủ trong công việc nghiên cứu, sáng tạo,” đạo diễn Trần Vũ Anh nêu quan điểm./.