Microsoft và Brookfield đạt thỏa thuận phát triển năng lượng xanh
Thỏa thuận ban đầu tập trung vào gió và Mặt Trời, nhưng có thể mở rộng sang các công nghệ cung cấp điện khi không có gió hay ánh sáng Mặt Trời.
Ngày 1/5, tập đoàn công nghệ Microsoft của Mỹ và công ty quản lý quỹ Brookfield của Canada thông báo hai bên đã đạt thỏa thuận phát triển năng lượng tái tạo, có thể trở thành một trong những thương vụ năng lượng xanh lớn nhất từ trước đến nay.
Brookfield cho biết công ty có kế hoạch phát triển trang trại năng lượng Mặt Trời và gió mới có công suất hơn 10,5 gigawatt (GW) cho Microsoft, trong bối cảnh đại gia công nghệ này đặt mục tiêu các trung tâm dữ liệu và hoạt động trên toàn cầu của mình sẽ sử dụng điện không carbon vào năm 2030.
Ông Adrian Anderson, nhà quản lý về năng lượng tái tạo của Microsoft, cho biết việc hợp tác với Brookfield thúc đẩy sự phát triển đổi mới của các lưới điện đa dạng hơn trên toàn cầu và góp phần thực hiện mục tiêu của công ty nhằm đạt được 100% mức tiêu thụ điện phù hợp với việc không mua năng lượng carbon vào năm 2030.
Về phần mình, giám đốc điều hành bộ phận năng lượng tái tạo của Brookfield, ông Connor Teskey cho biết công ty "rất vui mừng được hợp tác với Microsoft để hỗ trợ nhu cầu khách hàng của họ với công suất năng lượng tái tạo hơn 10,5 GW."
Hai công ty trên không tiết lộ các điều khoản tài chính của thỏa thuận.
Tuy nhiên, theo thông báo, thỏa thuận khung được xây dựng dựa trên sự hợp tác hiện có của Microsoft và Brookfield và mở rộng thêm để tăng hơn 10 lần năng lượng tái tạo từ năm 2026 đến năm 2030. Quy mô của thỏa thuận, lớn hơn gần 8 lần so với thỏa thuận mua năng lượng tái tạo lớn nhất mà công ty từng ký kết.
Thỏa thuận ban đầu tập trung vào gió và Mặt Trời, nhưng có thể mở rộng sang các công nghệ khác có thể cung cấp điện không có carbon khi không có gió hay ánh sáng Mặt Trời.
Thỏa thuận này cũng sẽ cho phép Brookfield mở rộng danh mục các dự án năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời tại Mỹ, châu Âu và các khu vực tiềm năng khác trong những năm tới.
Thương vụ trên cho thấy cách một số công ty lớn nhất thế giới đang đầu tư lớn vào năng lượng sạch để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, đồng thời duy trì tính cạnh tranh trong cuộc đua triển khai trí tuệ nhân tạo (AI).
Việc cung cấp dịch vụ AI và đám mây dự kiến sẽ khiến nhu cầu về điện tăng vọt trong bối cảnh các công ty công nghệ đổ xô xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu ngốn tài nguyên, vốn sẽ làm tăng sự phụ thuộc vào các công ty điện lực đang quá tải./.