Mệnh lệnh từ trái tim: Nhiệm vụ “chiến đấu giữa thời bình”

Quân đội, trong đó có Cục Cứu hộ-Cứu nạn là cơ quan tác chiến đầu ngành, chính là điểm tựa vững chắc của đồng bào trong những lúc gặp sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn là vấn đề quan trọng đối với mỗi quốc gia. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, vấn đề đó càng trở nên cấp thiết.

Và Quân đội, trong đó có Cục Cứu hộ-Cứu nạn là cơ quan tác chiến đầu ngành, chính là điểm tựa vững chắc của đồng bào những lúc nguy nan nhất.

Trên 3,4 triệu lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia khắc phục sự cố, thiên tai

Phát huy vai trò tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo toàn quân thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ-cứu nạn, Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu) đồng thời thực hiện tốt chức năng là Văn phòng thường trực của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tham mưu cho Ủy ban và giúp Chính phủ chỉ đạo điều hành các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai sự cố gây ra.

Cục đã chủ trì tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia ban hành và trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch cấp nhà nước; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành có chất lượng các cuộc diễn tập cứu hộ, cứu nạn; xây dựng các công trình phòng thủ dân sự phục vụ nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn bảo đảm chất lượng, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo Trung tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, trong 20 năm qua, Cục đã giúp Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó khắc phục 222 cơn bão, 84 áp thấp nhiệt đới và 63.574 sự cố, thiên tai, dịch bệnh; điều động 4.162.629 lượt người và 164.941 lượt phương tiện, cứu được 73.865 người và 6.365 phương tiện; trong đó, Quân đội tham gia hơn 3,4 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ và 110.354 lượt phương tiện, cứu được 56.788 người và 4.815 phương tiện, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và của nhân dân.

Cục Cứu hộ-Cứu nạn đã cùng các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực sự coi nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của Quân đội trong thực hiện phương châm “bốn tại chỗ,” phù hợp mục tiêu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại theo Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 230-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.

Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 102 hỗ trợ người dân đắp bao tải đất gia cố đê sông Tích thuộc địa bàn huyện Quốc Oai (Hà Nội). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cục đã tham mưu xây dựng các trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển đảo, lòng hồ thủy điện lớn; đầu tư bổ sung các phương tiện, trang bị chuyên dụng cho nhiệm vụ ứng phó tai nạn trên biển, đường không, đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, cho Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Phòng không-Không quân, các binh chủng, các sư đoàn bộ binh đủ quân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường; nâng cao năng lực các Trung tâm cấp cứu 115 và các phân đội y tế cơ động sẵn sàng đáp ứng về y tế trong thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp…

Thực hiện nghĩa vụ quốc tế về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, Cục Cứu hộ-Cứu nạn đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa lực lượng của Quân đội, Công an tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ kỳ trong thảm họa động đất vào tháng 2/2023.

Bộ Quốc phòng đã cử Đoàn công tác gồm 76 cán bộ, chiến sỹ và 6 chó nghiệp vụ cùng 42 tấn hàng hóa, trang thiết bị, phương tiện thực hiện nhiệm vụ cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo (từ ngày 12-22/2/2023); Bộ Công an đã cử 24 cán bộ, chiến sỹ cùng trang thiết bị, hàng hóa sang giúp người dân Thổ Nhĩ Kỳ (9-19/2/2023).

Hoạt động của Lực lượng hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được Chính phủ, nhân dân Thổ Nhĩ kỳ và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội

Trong thiên tai, dịch bệnh, Quân đội luôn là điểm tựa vững chắc của đồng bào.

Trước, trong và sau siêu bão số 3 (Yagi) - cơn bão lịch sử vừa qua đã đổ bộ vào nước ta, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân không bao giờ quên hình ảnh bộ đội, dân quân tại khắp các địa phương đã không quản hiểm nguy băng đèo, vượt suối đến với nhân dân những lúc nguy nan nhất.

Trong Thư gửi cán bộ, chiến sỹ Quân đội Nhân dân và dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh: “Tính mạng con người là trên hết, trước hết,” “ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội.”

Bộ đội và dân quân đã chủ động đến với nhân dân, giúp nhân dân phòng, chống, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả của cơn bão.

Những chuyến bay tiếp tế lương thực, hàng hóa kịp thời cho người dân vùng lũ bị cô lập; những ngày dài bộ đội dầm mình trong biển bùn để tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai)... sẽ mãi mãi khắc ghi trong lòng nhân dân về tình cảm, trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ.

Thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình,” Quân đội đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3, góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Với tinh thần chủ động, đồng bộ, trước, trong và sau bão, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ban hành 15 công điện chỉ đạo toàn quân, nhất là các đơn vị trên địa bàn chịu ảnh hưởng của bão; yêu cầu các cơ quan, đơn vị vừa duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, vừa tổ chức lực lượng, phương tiện kịp thời có mặt ở những nơi xảy ra sự cố, xung yếu, khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, xung kích đi đầu trong ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan chức năng đã tham gia 8 đoàn công tác của Đảng, Nhà nước, kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão. Đồng thời, Bộ Quốc phòng tổ chức 5 đoàn công tác tới các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát khu vực trọng yếu để điều chỉnh, bổ sung các phương án, kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn các Quân khu 1, 2, 3, 4 và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Cán bộ, chiến sỹ Ban chỉ huy quân sự huyện Sông Lô và Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp gặt lúa bị ngập úng sau bão số 3 cho người dân xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Ứng phó với bão số 3, Quân đội đã chủ động về lực lượng, phương tiện, phương án. Cán bộ, chiến sỹ đã không quản ngại gian khó, hiểm nguy, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trước, trong và sau bão, toàn quân tổ chức trực gần 359.000 cán bộ, chiến sỹ cùng hơn 5.320 phương tiện (ôtô, xe đặc chủng, tàu, xuồng, máy bay); điều động, sử dụng gần 144.000 cán bộ, chiến sỹ với hơn 3.200 phương tiện tìm kiếm cứu nạn, phối hợp với các lực lượng, sử dụng các biện pháp quyết liệt tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, Quân đội còn hỗ trợ nhân dân trong vùng bị thiệt hại gần 60 tấn hàng hóa thiết yếu; sử dụng trực thăng vận chuyển hàng hóa cứu trợ người dân ở khu vực bị cô lập trên địa bàn các Quân khu 1, 2, 3; vận chuyển 100 tấn gạo do Chính phủ cấp hỗ trợ các tỉnh trên địa bàn các Quân khu 1, 2, 3; hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch, bệnh./.

Mệnh lệnh từ trái tim: Mở cánh cửa tương lai tươi sáng

Mệnh lệnh từ trái tim: Thầm lặng vượt gian khổ, hiểm nguy