“Máy tính cho em”: Một số đơn vị cam kết nhưng chưa chuyển máy
Việc thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em" gặp khó khăn khi một số đơn vị cam kết nhưng chưa chuyển máy, nhiều nơi chưa có Internet hoặc có nhưng sóng yếu ảnh hưởng đến chất lượng học.
Việc triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” còn một số hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai giai đoạn 1 như: Một số đơn vị cam kết nhưng chưa chuyển máy tính đến học sinh; một số máy tính được tặng trực tiếp cho học sinh nên việc quản lý sử dụng đúng mục đích gặp khó khăn; ở nhiều nơi vùng sâu, vùng xa chưa có internet hoặc 4G hoặc có nhưng yếu ảnh hưởng đến chất lượng học trực tuyến và tra cứu thông tin của học sinh.
Đây là thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tại cuộc họp ngày 7/9, nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” và đề xuất việc triển khai chương trình trong thời gian tiếp theo do hai bộ đồng chủ trì.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 12/9/2021 để hỗ trợ máy tính bảng phục vụ học trực tuyến cho học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo và học sinh có bố, mẹ bị tử vong do dịch bệnh COVID-19.
Chương trình được chia thành hai giai đoạn thực hiện. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ huy động 1 triệu máy tính bảng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương đang bị giãn cách do dịch bệnh COVID-19. Giai đoạn 2, từ năm 2022-2023, tiếp tục phát động để 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn được trang bị máy tính học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.
[Gia Lai: 36,3 tỷ đồng mua máy tính bảng cho học sinh nằm im]
Chương trình được đánh giá rất nhân văn, thiết thực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn để học trực tuyến và cần được triển khai rộng rãi hơn.
Triển khai giai đoạn 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận và phân bổ 92.629 máy tính bảng từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông cho học sinh 24 tỉnh, thành phố. Số tiền 513 tỷ đồng, tương ứng với 205.200 máy tính bảng, đã phân bổ cho 17 tỉnh để các địa phương chủ động tổ chức mua sắm, kịp thời bàn giao cho học sinh.
Tuy nhiên, trước những khó khăn nêu trên, để triển khai chương trình đạt hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phân bổ 400.000 máy tính bảng từ Quỹ viễn thông công ích Việt Nam theo đúng kế hoạch chương trình.
Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, phủ sóng tất cả các điểm lõm sóng để học sinh trên toàn quốc được tham gia học tập, tra cứu trên mạng Internet, đảm bảo công bằng cho học sinh trên mọi miền Tổ quốc; tiếp tục kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và cá nhân hỗ trợ, thực hiện giai đoạn 2 của Chương trình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất nghiên cứu phương án để học sinh có thể gửi máy tính bảng đã bàn giao tại thư viện trường học để nhà trường cất giữ, quản lý nhằm đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cũng nhấn mạnh ưu tiên về chất lượng sản phẩm khi đưa đến tay học sinh. Đồng thời, đề nghị hai Bộ tiếp tục thường xuyên trao đổi để tháo gỡ khó khăn, triển khai có hiệu quả chương trình./.