Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam mong muốn đóng góp cho đất nước
VINEU mang sứ mệnh tập hợp sức mạnh tri thức, kết nối các chuyên gia và trí thức không chỉ tại châu Âu mà trên toàn thế giới, nhằm đóng góp và phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam.
Ngày 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU và thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ, theo lời mời của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Berlin đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Cao Thế Anh - Phó Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU), Giám đốc Môi trường công ty Trách nhiệm hữu hạn Bình An (Binh An GmbH), CHLB Đức, đồng sáng lập - chuyên gia cấp cao về môi trường của Mạng lưới Kinh tế và Đổi mới sáng tạo Đức-Việt (DVIW) về hoạt động của VINEU cũng như quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU).
Đánh giá về hoạt động của VINEU trong thời gian qua, Tiến sỹ Thế Anh cho biết ra mắt vào ngày 4/11/2021 trong chuyến thăm của phái đoàn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại CH Pháp, VINEU mang sứ mệnh tập hợp sức mạnh tri thức, kết nối các chuyên gia và trí thức không chỉ tại châu Âu mà trên toàn thế giới, nhằm đóng góp và phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam. Sau một năm thành lập, VINEU đã có những hoạt động tích cực trong việc phát triển mạng lưới, tìm kiếm và kết nối với các đối tác là các tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức tại châu Âu.
Bên cạnh đó, các chuyên gia của VINEU cũng đã đóng góp tham luận cho các chương trình liên quan đến kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, kết nối và hỗ trợ công ty khởi nghiệp do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hue Innovation Hub tổ chức. VINEU tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp châu Âu về làm việc và kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong thời gian tới, VINEU sẽ tiếp tục kiện toàn và phát triển mạng lưới thông qua kết hợp với Liên hiệp Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Âu, Liên hiệp Hội người Việt tại châu Âu cũng như các mạng lưới trí thức, đổi mới sáng tạo của Việt Nam trên toàn thế giới nhằm phát triển mạng lưới, đồng thời tổ chức các buổi thảo luận chuyên đề nhằm trao đổi kinh nghiệm, tri thức và thúc đẩy việc tạo dựng các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ về Việt Nam.
Đề cập đến quan hệ Việt Nam - EU tiếp tục được duy trì và thúc đẩy trong thời gian qua, đặc biệt là vai trò của Việt Nam trong việc gắn kết quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và EU, từ góc độ một trí thức Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại châu Âu, Tiến sỹ Thế Anh cho rằng quan hệ song phương Việt Nam - EU, với lịch sử 32 năm phát triển sâu rộng và thực chất, đã nâng lên một tầm cao mới với việc hai bên trở thành đối tác bình đẳng của nhau trên cơ sở hợp tác cùng có lợi trong tất cả các trụ cột hợp tác, đặc biệt là việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, EU đã hỗ trợ Việt Nam gần 30 triệu liều vaccine, cũng như các trang thiết bị y tế để giúp Việt Nam phòng chống đại dịch thành công. Đó là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ hữu nghị, bền vững giữa Việt Nam và EU.
Trong gần 30 năm gia nhập ASEAN, với tư duy, chính sách đối ngoại đúng đắn, Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm, được các nước đánh giá cao, từ đó nâng cao vị thế và vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong tổ chức.
Có thể thấy, ngay từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực và có trách nhiệm của mình, giúp mở rộng và tăng cường tính gắn kết trong ASEAN, cũng như thúc đẩy khả năng của ASEAN trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, Việt Nam không ngừng cải thiện, nâng cao năng lực cũng như uy tín và tiếng nói của mình trên trường quốc tế thông qua các hình thức hội nhập quốc tế, như tham gia các tổ chức quốc tế, các diễn đàn đa phương khu vực, liên khu vực và toàn cầu, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng, trúng cử những vị trí quan trọng của các cơ chế quốc tế..., góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trong ASEAN và tạo điều kiện để Việt Nam có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho ASEAN. Tất cả những điều này chính là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt trong ASEAN.
Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU và các nước thành viên, đồng thời luôn ủng hộ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU. Do đó, với vai trò quan trọng của mình trong ASEAN, Việt Nam sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy mối quan hệ ASEAN-EU lên một tầm cao mới.
Đánh giá việc Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-EU và chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ðại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ, Tiến sỹ Thế Anh bày tỏ vui mừng được chứng kiến sự kiện này, khẳng định chuyến thăm là cơ hội quan trọng để củng cố niềm tin và nâng tầm mối quan hệ Việt Nam với các nước Luxemburg, Hà Lan và Bỉ nói riêng, cũng như châu Âu nói chung. Đặc biệt, với vai trò quan trọng của mình trong ASEAN, Việt Nam sẽ là tác nhân tích cực cho việc thúc đẩy mối quan hệ của ASEAN với EU.
Tiến sỹ cho rằng trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, việc Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt trong phát triển kinh tế-xã hội là nhờ vai trò lãnh đạo, điều hành hiệu quả của chính phủ.
Theo Tiến sỹ Thế Anh, ở cấp độ toàn cầu, thế giới đã và đang chịu những tác động sâu sắc từ đại dịch COVID-19 trên mọi khía cạnh. Sự suy thoái kinh tế trong hai năm qua chủ yếu do các biện pháp phong tỏa của nhiều quốc gia nhằm ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh và sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng tác động nặng nề tới đời sống chính trị quốc tế, trong đó có mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, những biến động căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã gây ra những tác động sâu sắc đến đời sống quan hệ quốc tế. Cuộc xung đột đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gia tăng giá cả, dẫn đến lạm phát phi mã, khủng hoảng năng lượng, lương thực...
[Photo] Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Luxembourg]
Đối với Việt Nam, những tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra là điều không tránh khỏi, như kinh tế suy giảm, thiệt hại về người và của, sự đứt gãy, gián đoạn các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội... Hiện nay, Việt Nam đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế nhằm tạo động lực phát triển bên trong. Tuy nhiên, sự gián đoạn của chuỗi tương tác toàn cầu đã trở thành một thách thức vô cùng to lớn đối với Việt Nam.
Trong bức tranh ảm đạm của toàn cầu và khu vực do tác động của đại dịch COVID-19, dường như Việt Nam lại có những cơ hội cùng các thành viên ASEAN góp phần nâng cao vai trò, vị thế của mình trong hiệp hội. Năm 2020, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất tại Đông Nam Á và nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương.
Việt Nam luôn giữ được sự ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Mô hình chống dịch của Việt Nam được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận bởi sự ổn định về chính trị và xã hội, tinh thần đồng lòng, thống nhất cao độ từ trung ương tới địa phương. Những kết quả có được là minh chứng rõ nhất cho thấy cho vai trò lãnh đạo to lớn của Đảng cũng như năng lực điều hành của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua.
Tiến sỹ Thế Anh nhận định bên cạnh các khó khăn trên, Việt Nam cũng đã và đang đón nhận các cơ hội lớn khi chuỗi cung ứng trên toàn cầu có sự dịch chuyển mạnh mẽ, nhiều tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, góp phần hình thành nên “bức tranh” toàn cảnh với rất nhiều cơ hội lớn kèm theo thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cũng như chính các doanh nghiệp, sự chuyển dịch đã cho thấy cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay.
Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, ngành công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ đã đạt được những hiệu quả rõ nét. Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Tuy vậy, thực tế mặt bằng chung các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam đa số còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị, bị đứt gãy chuỗi cung ứng do phụ thuộc vào thị trường thế giới nhiều biến động, từ những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến chiến tranh thương mại giữa các nước. Do đó, vấn đề đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng là nhu cầu cấp bách để tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đứng trước cơ hội này.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, chính phủ cũng cần quan tâm đến vấn đề an toàn năng lượng và bảo vệ môi trường. Tiến sỹ Thế Anh khẳng định với vai trò là một mạng lưới của các chuyên gia và trí thức tại châu Âu, VINEU rất mong muốn được đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước thông qua các hoạt động kết nối doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ cũng như triển khai các dự án phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước./.