Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang - Mắt xích quan trọng trong phòng chống HIV
Trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang giảm, vai trò của các Mạng lưới tổ chức cộng đồng (CBO) ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết
Kể từ người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 ở Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 250.000 người đang sống chung với HIV. Đáng lưu ý, 80% các trường hợp nhiễm HIV mới thuộc nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam.
Theo đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong bối cảnh nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang giảm dần và chuyển giao sang nguồn lực trong nước vào năm 2030, vai trò của các Mạng lưới tổ chức cộng đồng (CBO) ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nhiều đóng góp trong phòng chống HIV
An Giang hiện có khoảng 7.700 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng. Tại tỉnh An Giang, năm 2023, toàn tỉnh phát hiện 560 người mắc HIV, 158 trường hợp tử vong do AIDS. Dịch HIV đang gia tăng tại đây, đặc biệt ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới. HIV đang gia tăng nhanh trong nhóm MSM trẻ, ở độ tuổi 15-30.
Trương Hoàng Bảo Ngọc - Trưởng Ban điều hành Mạng lưới cộng đồng LGBT đầu tiên ở tỉnh An Giang - nhóm CBO điển hình về phòng chống HIV ở An Giang những năm qua đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
LGBT là tên viết tắt các chữ cái đầu của một cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và người chuyển giới (Transgender).
Ngọc một người rất năng động và nhiệt tình với công việc. Cô hiện là “thủ lĩnh” Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang - một địa chỉ hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe, việc làm cho người LGBT ở địa phương. Ngọc cũng là Fouder Team Community You&Me – một nhóm cộng đồng lãnh đạo trẻ.
Ngọc tâm sự, với những người ở giới tính thứ ba gặp rất nhiều trở ngại từ sự kỳ thị từ ở gia đình lẫn xã hội, nên họ luôn phải nỗ lực rất lớn vì cần phải lo được cho bản thân rồi mới nghĩ tới việc lo cho nhiều người khác. Và những năm qua, Ngọc và các bạn của Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang đã nỗ lực để làm được điều này và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ, phòng chống HIV/AIDS tới nhiều người khác. Từ năm 2015, Ngọc gặp một số người cùng hoàn cảnh và tâm lý nên đã cùng nhau tạo nên mạng lưới để hỗ trợ lẫn nhau, rồi tạo thành một cộng đồng LGBT An Giang.
Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang xác định mục tiêu mong muốn tạo ra một cộng đồng hiểu biết về HIV, được nâng cao năng lực, được trao quyền và hỗ trợ trong dự án dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV, Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP+) triển khai hoạt động khảo sát nhu cầu này nhằm xác định những vấn đề xung quanh sự hiểu biết về HIV mà cộng đồng những người sống với HIV đang gặp phải.
Năm 2023, nhóm đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ cộng đồng, như chuỗi hướng nghiệp “Trái giới, Trái ngành” lồng ghép các kiến thức tính dục an toàn cho các bạn LGBT trẻ tuổi ở huyện Tịnh Biên, Tân Châu và thành phố Long Xuyên. Nhóm của Bảo Ngọc còn kêu gọi gây quỹ “Đem yêu thương đến trẻ em vùng biên giới” hỗ trợ các em bé nghèo tại khu vực biên giới.
Từ tháng 8/2023, với sự hỗ trợ từ Phòng khám Đa khoa Mỹ Thạnh, Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang đã có một văn phòng đại diện nho nhỏ làm địa chỉ hỗ trợ, tư vấn các vấn đề về sức khỏe cho người LGBT.
Ngọc chia sẻ để có được một văn phòng đại diện như ước mơ, hàng tháng, Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang tổ chức họp mặt để hỗ trợ lẫn nhau, nhất là những người không có nhà. Biết các bạn LGBT thường bỏ học sớm do bị kỳ thị, nên Mạng lưới thường tổ chức hướng nghiệp cho các bạn trẻ.
Hàng tháng, Mạng lưới cũng tổ chức trao đổi chủ đề về phòng, chống HIV/AIDS, mời đại diện CDC tỉnh An Giang hay Trung tâm y tế thành phố Long Xuyên, những người có chuyên môn đến chia sẻ kiến thức về y tế. Vì vậy, nhóm LGBT đều có kiến thức tốt để tránh lây nhiễm HIV trong bối cảnh HIV từ nhóm MSM đang là nguy cơ lớn nhất.
Ngọc cho hay, nhóm tổ chức nhiều chương trình vui chơi gắn với nội dung phòng, chống HIV/AIDS cho CBO các tỉnh miền Tây. Điều mừng nhất là với nỗ lực tự khẳng định của từng thành viên, gia đình nhiều bạn LGBT đã không chỉ thông cảm mà còn tham gia và hỗ trợ cho hoạt động của Mạng lưới. Tuy nhiên, Mạng lưới cộng đồng LGBT An Giang cũng gặp nhiều khó khăn, khi không có tư cách pháp nhân, không kết nối được với các doanh nghiệp xã hội và rất khó để truyền thông về cách sử dụng thuốc PrEp dự phòng HIV ở các khu công nghiệp, vùng sâu, biên giới.
Tiếp tục mở rộng mạng lưới các CBO
Bác sĩ Dương Anh Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh An Giang nhận định, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trở lại vì địa bàn rộng, có đường biên giới dài, giáp ranh với nhiều tỉnh, nên việc kiểm soát, giám sát vẫn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trong 2 năm qua, An Giang còn xảy ra tình trạng thiếu sinh phẩm xét nghiệm HIV do công tác đấu thầu, mua sắm chậm, làm ảnh hưởng đến hoạt động xét nghiệm tìm ca nhiễm mới và điều trị dự phòng Prep, cũng như điều trị HIV.
Xác định còn rất nhiều khó khăn trong phòng, chống dịch, bác sĩ Dương Anh Linh bày tỏ, quan trọng nhất trong thời gian tới là CDC tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa. CDC tỉnh cũng đang nỗ lực tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho cộng đồng MSM, tiếp cận viên, đồng đẳng viên; mở rộng mạng lưới các CBO.
An Giang là địa phương có 2 khu công nghiệp với khoảng 20 nghìn công nhân, nhưng việc tiếp cận nhóm các bạn trẻ tại các khu công nghiệp chưa khả thi do CDC tỉnh chưa có được sự kết nối được với các doanh nghiệp. CDC An Giang đang đề xuất can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại các khu công nghiệp cho những người công nhân, lao động nhằm ngăn chặn lây nhiễm mới HIV trong nhóm này….
Một trong những thách thức với tỉnh này đó là hiện An Giang chưa huy động được sự tham gia mạnh mẽ của y tế tư nhân, nhà thuốc, doanh nghiệp xã hội, đồng đẳng viên (CBO) vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong khi nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị hạn chế. Những khó khăn trên là thách thức rất lớn để An Giang đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Theo đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, Việt Nam không thể bỏ qua vai trò của mạng lưới CBO. Sự hợp tác chặt chẽ, khả năng truyền thông và vận động chính sách, cùng với tiềm năng thích ứng trong bối cảnh mới là những thế mạnh giúp các CBO trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng, chống HIV/AIDS quốc gia. Các CBO có thể tiếp tục duy trì các dịch vụ thiết yếu như tư vấn xét nghiệm, chăm sóc hỗ trợ, và giám sát dịch ngay cả khi nguồn lực bị hạn chế. Hiện nay, các CBO không chỉ là cầu nối giữa cộng đồng và dịch vụ y tế, mà còn là chìa khóa để Việt Nam đạt được và duy trì thành quả kiểm soát dịch HIV một cách bền vững.
Kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 cho thấy sức mạnh của mạng lưới CBO. Khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng, nhiều người có HIV gặp khó khăn trong việc tiếp cận thuốc ARV. Các mạng lưới CBO đã nhanh chóng huy động tình nguyện viên, phối hợp với cơ sở y tế địa phương để cung cấp thuốc tận nhà cho bệnh nhân. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời này, hàng nghìn người có HIV đã không bị gián đoạn điều trị trong thời gian giãn cách. Bên cạnh đó, mạng lưới CBO còn có thể huy động sự tham gia của khu vực tư nhân và nguồn lực xã hội hóa, tạo ra một hệ sinh thái đa dạng và bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS./.