Malaysia thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và BRICS với vai trò mới

Theo nhận định của chuyên gia, Malaysia có thể đề xuất tổ chức một cuộc thảo luận giữa ASEAN và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) nhằm đa dạng hóa quan hệ thương mại.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2025, Malaysia có thể đề xuất tổ chức một cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên Đông Nam Á và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) nhằm đa dạng hóa quan hệ thương mại và giảm sự phụ thuộc vào các đối tác truyền thống.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Chủ tịch tổ chức tư vấn Emir Research, ông Datuk Rais Hussin, cho biết động thái này sẽ giúp ASEAN tăng cường hội nhập kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu có nhiều bất ổn.

Malaysia và Thái Lan đã chính thức trở thành quốc gia đối tác của BRICS kể từ ngày 1/1/2025, trong khi đó Indonesia trở thành thành viên chính thức vào ngày 6/1. Với sự tham gia của một số quốc gia thành viên ASEAN và các quốc gia như Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), BRICS hiện chiếm gần một nửa dân số thế giới và hơn 41% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, qua đó mang đến nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng cho ASEAN.

Theo ông Rais Hussin, đây là nguyên nhân mà Thủ tướng Malaysia Anwar luôn khuyến khích các quốc gia ASEAN nói chung và Malaysia nói riêng tăng cường hoạt động thương mại với BRICS. Ngoài ra, Malaysia cũng cần khẳng định vai trò lãnh đạo ASEAN trong việc mở rộng hơn nữa phạm vi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nhóm khác trên toàn cầu.

Ví dụ, Malaysia có thể cùng các quốc gia thành viên ASEAN mở rộng phạm vi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), trong đó đàm phán về từng ngành, thị trường và lĩnh vực cụ thể hơn. Bên cạnh đó, ASEAN cần khuyến khích các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand tìm hiểu thêm về các cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

ASEAN cũng cần đa dạng hóa các quan hệ thương mại thông qua mạng lưới của BRICS mở rộng thông qua các thỏa thuận thương mại, đầu tư song phương hoặc giữa các Nhóm. Với nỗ lực của chính phủ, Malaysia có thể trở thành quốc gia dẫn đầu Khối trong việc đảm bảo an ninh lương thực và đạt được các mục tiêu chuyển đổi số của ASEAN vào năm 2040.

Đối với những thách thức trong vài năm qua như lệnh phong tỏa toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, ông Rais Hussin nhận định, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Malaysia cần phải đi đầu trong việc đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng và đưa ra các sáng kiến cải thiện cơ sở hạ tầng xuyên biên giới.

Ví dụ, ASEAN có thể nghiên cứu thành lập Liên minh dự trữ lương thực chiến lược để tận dụng dữ liệu phân tích theo thời gian thực để quản lý các kho dự trữ, nguồn cung ứng của các mặt hàng thiết yếu, qua đó tăng cường khả năng phục hồi của mỗi quốc gia trước các biến động về nguồn cung trên toàn cầu.

Cuối cùng, ông Rais Hussin cho rằng, ASEAN có thể nghiên cứu đưa ra một khuôn khổ tương tự trong lĩnh vực công nghiệp để đảm bảo an ninh kinh tế khu vực. Với vai trò Chủ tịch, Malaysia sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các định hướng hợp tác kinh tế cho ASEAN trong năm nay./.