Lý giải sự thành công hiện tượng phim kinh dị Việt gây sốt Netflix
Tiểu thuyết "Kẻ ăn hồn" hé lộ câu chuyện sâu hơn về các nhân vật, mối quan hệ trong phim cùng tên đồng thời lý giải rõ hơn về "Tết ở làng Địa Ngục" từng giữ "top 1" các nền tảng K+ và Netflix.
Với khán giả điện ảnh Việt, series phim "Tết ở làng Địa Ngục" và phim điện ảnh "Kẻ ăn hồn" đã lần lượt trở thành hiện tượng trên nhiều nền tảng chiếu phim online và phòng vé năm 2023.
Thành công của hai phim được bật mí qua các câu chuyện trong tiểu thuyết "Kẻ ăn hồn" vừa ra mắt của nhà văn Thảo Trang, Nhà xuất bản Phụ nữ và Saola Books phát hành.
Theo đó, hai series nổi tiếng với việc khai thác chất liệu quỷ dị dân gian. Hai phim có chung một bối cảnh tại làng Địa Ngục, nơi sinh sống của hậu thế một băng cướp khét tiếng hư cấu tại vùng đất tên "truông nhà Hồ" xưa. "Kẻ ăn hồn" là tiền truyện diễn ra nhiều thập kỷ trước "Tết ở làng Địa Ngục," mang đến những câu chuyện khởi nguồn, lý giải cho loạt bi kịch xảy ra trong 12 tập phim.
Tuy vậy do thời lượng có hạn và một số lý do khác, bộ phim vẫn để ngỏ một số câu hỏi, như: Vì sao nhân vật Thập Nương - phản diện trong tiền truyện - đã bị tiêu diệt nhưng vẫn có thể trở lại trong "Tết ở làng Địa Ngục," tiếp tục gây ám ảnh và nhiều cái chết cho dân làng...
Tiểu thuyết "Kẻ ăn hồn" giúp giải thích tường tận những câu hỏi này. Theo lý giải của nhà văn Thảo Trang, tiểu thuyết còn nói đến một nhân vật quan trọng khác, được gọi là "người đàn ông cưỡi diều giấy," đã cứu Thập Nương. Nhân vật này cũng là yếu tố dẫn vào phần 2 series "Tết ở làng Địa Ngục: U hồn tượng đất" sẽ được khởi quay trong tương lai.
Cũng qua tiểu thuyết, mối quan hệ giữa các nhân vật cũng được làm rõ hơn, ví dụ như nhân vật chính trong phim tiền truyện chính là bà nội của nam chính trong series. "Truyện sẽ đi vào nhiều nội dung sâu hơn, ví dụ như sự phản bội của bầy đom đóm câu hồn với chủ nhân của chúng [Thập Nương]. Các tuyến tình cảm của nhân vật cũng được khai thác rõ ràng hơn," tác giả Thảo Trang cho biết.
Cả hai tựa phim "Tết ở làng Địa Ngục" và "Kẻ ăn hồn" đều mượn nhiều chất liệu dân gian, truyền thống như tục thả cá chép ngày Ông Công- Ông Táo, tục cưới trong đêm của người Dao ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn)... đồng thời lồng ghép nhiều hình ảnh, chất quỷ dị dân gian như con rối nước giam giữ linh hồn người chết, công thức luyện rượu hồi sinh người chết được gửi gắm trong bài cho trẻ em.../.