​Lý do chưa chuyển cảng Tiên Sa thành cảng hành khách trước năm 2030

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, việc xây dựng kế hoạch, phương án khả thi, kế hoạch chi tiết từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa cần thiết phải để sau năm 2030.

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải nêu ý kiến về việc chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa gắn với tiến trình đầu tư cảng Liên Chiểu.

Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, vào tháng 4/2022, Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng - thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất về chủ trương và có ý kiến chỉ đạo để công ty hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt “Đề án di dời, chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa gắn với tiến trình đầu tư khai thác khu bến Liên Chiểu.”

Cụ thể, theo đề xuất của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, từ năm 2026 sẽ bắt đầu thực hiện chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa thành cảng hành khách.

Đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng được chỉ định là nhà đầu tư, khai thác hai bến khởi động khu bến cảng Liên Chiểu (theo Luật Đấu thầu).

Về vấn đề này, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết quy hoạch khu bến Tiên Sa đã được phê duyệt tại Quyết định số 1579/2021/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, sau năm 2030 mới từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư khai thác khu bến Liên Chiểu.

Việc xây dựng kế hoạch, phương án khả thi, kế hoạch chi tiết từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa cần thiết phải để sau năm 2030.

[Đà Nẵng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phát triển kinh tế]

Vì vậy, Cục Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh rằng Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng có trách nhiệm tuân thủ nội dung quy hoạch khu bến Tiên Sa được phê duyệt tại Quyết định 1579-TTg.

Đối với đề xuất xin cho phép chỉ định thầu, Cục Hàng hải Việt Nam nói rõ, hạng mục hai bến cảng khởi động tại khu cảng Liên Chiểu và việc lựa chọn nhà đầu tư phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Đình Việt, Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng vốn 3.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất việc cập nhật bổ sung quy mô, tiến trình đầu tư hai bến cảng khởi động tổng chiều dài 750 m vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (Nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Cũng theo từ Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay hạng mục nói trên đang được Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng triển khai thu hút, kêu gọi đầu tư và được nhiều nhà đầu tư quan tâm đề xuất.

Vì vậy, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến để Ủy ban Nhân đân thành phố Đà Nẵng chỉ đạo tổng hợp đề xuất của các nhà đầu tư tiềm năng đối với hai bến cảng khởi động và các bến cảng giai đoạn tiếp theo tại khu bến Liên Chiểu.

Trên cơ sở đó báo cáo, đề xuất với cấp thẩm quyền về hình thức lựa chọn nhà đầu tư tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, có khả năng nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển và khai thác cảng biển tại khu bến cảng Liên Chiểu.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi Cục Hàng hải Việt Nam và Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng liên quan đến đề xuất đầu tư xây dựng luồng hàng hải Đà Nẵng vào khu bến cảng Tiên Sa.

Theo đó, định hướng quy hoạch nâng cấp luồng Đà Nẵng vào bến cảng Tiên Sa cho tàu trong tải đến 50.000 tấn phù hợp tiến trình phát triển các bến cảng và lưu lượng tàu cập bến trong thời gian tới (giảm dần lượng hàng để chuyển thông qua khu bến Liên Chiểu, chuyển đổi công năng thành cảng du lịch đến năm 2030).

Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, không chỉ riêng luồng hàng hải Đà Nẵng mà nhiều công trình hàng hải quan trọng khác cũng chưa cân đối được nguồn vốn để đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021-2025. Cho nên trước mắt Chính phủ ưu tiên nguồn lực để đầu tư nâng cấp các công trình giao thông trong yếu.

Đối với lĩnh vực hàng hải, nguồn vốn Bộ Giao thông Vận tải được bố trí giai đoạn 2021-2025 chỉ đủ tiếp tục thực hiện, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, đầu tư một số các dự án mang tính động lực, cấp bách như dự án Luồng vào khu bến cảng Cái Mép, Luồng vào khu bến Nam Nghi Sơn, Luồng vào khu bến cảng Thọ Quang.

Vì vậy, nhiều công trình hàng hải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các địa phương như dự án đầu tư nâng cấp luồng hàng hải Đà Nẵng vào khu bến cảng Tiên Sa chưa cân đối được nguồn vốn để đầu tư trong giai đoạn trung hạn này./.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)