Lùi thời gian tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ 6 tại Ninh Thuận
Do tình hình mưa lũ, Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ 6 ở Ninh Thuận được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lùi thời gian tổ chức sang tháng 12/2024, thời gian cụ thể được thông báo sau.
Trước tình hình mưa, lũ còn diễn biến rất phức tạp, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thống nhất lùi thời gian tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ 6 tại tỉnh Ninh Thuận sang tháng 12/2024.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có văn bản thông báo tới các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh về việc điều chỉnh thời gian tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ 6 tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024.
Văn bản nêu rõ, ngày 19/6/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 2576/KH-BVHTTDL về việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI, diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29/9/2024 tại tỉnh Ninh Thuận.
Tuy nhiên, trước tình hình mưa, lũ còn diễn biến rất phức tạp, thực hiện Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 06/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 và mưa, lũ sau bão, Bộ VHTTDL đã thống nhất với tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh lùi thời gian tổ chức Ngày hội sang tháng 12/2024, thời gian tổ chức cụ thể được thông báo sau.
Theo Kế hoạch trước đó, Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ 6 mang chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận chủ trì, phối hợp với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 27- 29/9 tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Đây được coi là đợt sinh hoạt chính trị để bà con dân tộc Chăm giới thiệu những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của dân tộc mình.
Dự kiến gần 500 nghệ nhân, nghệ sỹ, vận động viên là đồng bào Chăm từ 9 tỉnh, thành phố tham gia, đại diện cho hơn 179.000 đồng bào dân tộc Chăm trong cả nước.
Các hoạt động văn hóa bao gồm trình diễn lễ hội, trình diễn trang phục truyền thống, nghi thức sinh hoạt văn hóa của người Chăm (đặc biệt khi người Chăm có 3 tôn giáo là Chăm Bàlamôn, Chăm Bàni và Chăm Islam), các triển lãm giới thiệu sản phẩm văn hóa-du lịch, các nghề thủ công truyền thống, nổi bật có nghề gốm Bàu Trúc.
Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ 6 được tổ chức nhằm khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với công tác bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc nói chung, với văn hóa dân tộc Chăm nói riêng.
Thông qua Ngày hội, Ban tổ chức muốn giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm như nghệ thuật múa, âm nhạc, kiến trúc, nghề truyền thống, nhạc cụ, các di sản văn hóa, đặc biệt là hệ thống tháp Chăm,… tới công chúng, đồng thời khẳng định những đóng góp vô cùng quan trọng của giá trị di sản văn hóa Chăm với phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.