Lực lượng Công an Nhân dân chung tay thực hiện nhiệm vụ quốc tế

Trong nhiệm kỳ, lần đầu tiên lực lượng Công an Nhân dân cử các sỹ quan - "sứ giả hòa bình" - tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trao quyết định thành lập Văn phòng Thường trực Bộ Công an về Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc năm 2022. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, lực lượng Công an Nhân dân đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, tạo chuyển biến sâu sắc trên các mặt công tác, góp phần tích cực tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển đất nước, tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Công tác bảo đảm an ninh trật tự không chỉ giới hạn ở phạm vi lãnh thổ, biên giới quốc gia mà lực lượng công an còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, năng lực và sẵn sàng chung tay giải quyết những vấn đề khó khăn và thách thức trên thế giới.

Trong nhiệm kỳ, lần đầu tiên lực lượng Công an Nhân dân cử các sỹ quan - "sứ giả hòa bình" - tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc, cử Đoàn công tác hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ giúp người dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả sau thảm họa động đất, qua đó thể hiện sự lớn mạnh, trưởng thành, vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an trong thực hiện các nhiệm vụ quốc tế.

Năm 2022, Bộ Công an cử 4 sỹ quan đi thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc, trong đó có một sỹ quan làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc, ba sỹ quan làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan.

Từ khi nhận nhiệm vụ, các sỹ quan Công an Nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; từng bước khẳng định năng lực Công an Nhân dân Việt Nam bản lĩnh, chuyên nghiệp, đủ trình độ đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc; hòa nhập nhanh với môi trường làm việc tại Phái bộ, trụ sở Liên hợp quốc; hòa đồng với các sỹ quan của các nước khác thực hiện nhiệm vụ.

[Bộ Công an tiếp tục cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình]

Với mỗi sỹ quan công an mang mũ nồi xanh, khi nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, mỗi người là một "sứ giả hòa bình." Đây cũng là cơ hội để giới thiệu hình ảnh một Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình đến với bạn bè quốc tế.

Giữa tháng 8/2023, Bộ Công an tiếp tục cử thêm 3 sỹ quan thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc. Như vậy, đến nay, Bộ Công an đã có 7 sỹ quan công an tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc.

Cũng phải kể đến việc cử lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an ngay sau khi xảy ra thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 2/2023. Lực lượng của Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn ở Adiyaman và Hatay, những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất.

Đoàn Công tác Cứu nạn, Cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam trao tặng thiết bị y tế cho Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống Khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ - AFAD tháng 2/2023. (Ảnh: TTXVN phát)

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai xảy ra ở rất xa lãnh thổ Việt Nam.

Những kết quả đạt được trong chuyến công tác thực hiện nhiệm vụ của Đoàn công tác cứu hộ quốc tế Bộ Công an đã thể hiện tính nhân văn, chuyên nghiệp, tinh thần hiệp đồng chiến đấu cao, khẳng định năng lực tham gia và khả năng hoàn thành các nhiệm vụ quốc tế.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: "Có thể khẳng định từ đầu nhiệm kỳ đến nay, lực lượng Công an Nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Kết quả công tác công an đã phục vụ tốt nhiệm vụ chủ động chiến lược trong bảo vệ Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ tích cực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vượt qua những thách thức chưa từng có tiền lệ, tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế."

Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, để công tác đối ngoại Công an Nhân dân thực sự “đi trước, mở đường," một số nhiệm vụ mang tính đột phá góp phần đặt nền móng cho hợp tác toàn diện, sâu rộng của Việt Nam với các nước, đóng góp quan trọng vào thành công chung của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Nổi bật là đã củng cố, mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác liên quan công tác công an với các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là với các đối tác truyền thống, các nước láng giềng, các nước ASEAN, từng bước đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, Bộ Công an tăng cường đàm phán, ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, đáp ứng yêu cầu hợp tác bảo vệ an ninh, trật tự; tích cực truyền tải thông điệp về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước tới các đối tác và bạn bè quốc tế, nhất là tại các diễn đàn, cơ chế đối thoại an ninh.

Bên cạnh đó, Bộ Công an chủ động phối hợp với các đối tác tham gia giải quyết các vấn đề an ninh mang tính toàn cầu, "điển hình như cử sỹ quan Công an Nhân dân tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tham gia hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ, giúp người dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả thảm họa động đất ngày 6/2/2023, được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao," Bộ trưởng cho biết.

Lực lượng công an Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Với quyết tâm chính trị cao cùng các nhóm giải pháp rất cụ thể, đối ngoại Công an Nhân dân đã tạo thế trận vững chắc, nâng cao tiềm lực, vị thế của Công an Việt Nam; đưa hợp tác an ninh cùng với hợp tác quốc phòng trở thành trụ cột trong quan hệ giữa Việt Nam với nhiều nước, tạo điều kiện mở rộng và phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác, góp phần “thêm bạn, bớt thù," củng cố quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, hiệu quả./.

Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)