Luật Đất đai: Nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của chính quyền địa phương
Luật Đất đai được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của chính quyền địa phương.
Tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 4/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã thông tin về việc triển khai các văn bản hướng dẫn về Luật Đất đai.
Sớm đưa luật vào cuộc sống
Theo ông, sau khi Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để khi Luật Đất đai có hiệu lực thì đảm bảo sự đồng bộ và sớm đưa Luật Đất đai đi vào cuộc sống.
Với nội dung Luật đã được thông qua, để sớm phát huy nguồn lực đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, nguồn lực xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đưa chính sách luật đất đai sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương gấp rút chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để trình Quốc hội cho phép luật có hiệu lực sớm từ 1/7/2024.
Ông Ngân cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, chính quyền các cấp đã khẩn trương huy động nguồn lực trong một thời gian ngắn, với tiến độ gấp rút, xây dựng các văn bản, gồm nghị định, thông tư, quyết định, các văn bản thuộc thẩm quyền địa phương.
“Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao dự thảo 6 nghị định, thông tư, đến nay đã hoàn thành các dự thảo, hiện đang được Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định. Dự kiến, trước 10/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ các dự thảo nghị định, hướng dẫn thi hành theo đúng hướng dẫn,” ông Lê Minh Ngân nói.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được giao tham mưu cho Chính phủ dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành các thủ tục báo cáo Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Ông cho hay, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất để đảm bảo đồng bộ các nghị quyết Quốc hội, các văn bản thi hành đủ điều kiện để tham mưu cho Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để đảm bảo các điều kiện về việc xây dựng văn bản.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Tại buổi họp báo, ông Lê Minh Ngân cho hay, để Luật Đất đai có hiệu lực sớm, công tác tuyên truyền, phổ biến rất quan trọng, thời gian qua Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị Luật Đất đai trong toàn quốc.
Ông nhấn mạnh, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị toàn quốc trong ngành tư pháp. Ban Tuyên giáo Trung ương cũng tổ chức hội nghị cho các báo cáo viên toàn quốc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường .
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp các địa phương phổ biến Luật Đất đai 2024, có những hội nghị đã có hàng nghìn người tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tích cực phối hợp với các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về Luật Đất đai 2024. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, đưa thông tin về chính sách mới của Luật Đất đai 2024 để người dân, doanh nghiệp, các đối tượng có liên quan nắm bắt kịp thời khi Luật Đất đai có hiệu lực, cùng với văn bản, nhận thức về luật đất đai mới, tạo thành hành lang đồng bộ trong việc đưa Luật Đất đai 2024 sớm vào cuộc sống.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, với Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa chủ trương của Đảng mà trọng tâm là Nghị quyết 18, ngoài chuyên môn như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giao đất, cho thuê đất, giá đất, tài chính về đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Luật Đất đai 2024 sẽ được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các khâu trung gian, giảm bớt các chi phí, nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của chính quyền địa phương. Qua đó, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đã được chỉ ra trong việc tổng kết luật Đất đai 2013.
Cùng với đó, rút ngắn thời gian, chi phí trong giải phóng nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đảm bảo môi trường phát triển bền vững của đất nước, trong đó có thị trường đất và thị trường bất động sản./.