Luật Đất đai 2024: Bước chuyển mới trong công tác quản lý đất đai
Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ là bước tiến lớn về hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thị trường đất đai, xây dựng và bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn.
Ngày 1/8/2024 đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác quản lý đất đai khi Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực.
Với nhiều nội dung đột phá, Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ là bước tiến lớn về hoàn thiện thể chế, thúc đẩy thị trường đất đai, xây dựng và bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững hơn.
Những quan điểm, tư duy mới sẽ góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế-xã hội đất nước; từ đó, tạo bước chuyển mới cho ngành quản lý đất đai.
Đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai
Ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV, Luật Đất đai 2024 đã chính thức được thông qua. Ngày 1/2/2024, Chủ tịch nước ký Lệnh số 01/2024/L-CTN về việc công bố Luật Đất đai 2024.
Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, sáng 29/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là ngày 1/1/2025.
Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những bước đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương, 260 điều; trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều. Luật mới đã thể chế hóa toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, tháo gỡ những vướng mắc được rút ra trong tổng kết thực tiễn việc tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013; đồng thời, luật hóa những quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước.
Với nhiều điểm mới, Luật Đất đai 2024 đang nhận được kỳ vọng lớn từ dư luận và giới chuyên gia về “cuộc cách mạng” trong chính sách quản lý, sử dụng đất đai.
Điển hình là việc Luật đã quy định, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; trách nhiệm và những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất.
Luật cũng góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất, tăng cường quản lý đất đai cả về số lượng, chất lượng và giá trị kinh tế.
Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành
Theo ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ, ngành, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm đáp ứng điều kiện đảm bảo thực hiện ngay khi Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024.
Cụ thể, về xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, để triển khai thi hành Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao chủ trì 5 Nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định điều tra cơ bản về đất đai, đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định quy định về giá đất; Nghị định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Đến nay, Chính phủ đã ký ban hành 2 Nghị định gồm Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ Quy định về giá đất; Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 của Chính phủ Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Đối với các Nghị định còn lại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Nghị định điều tra cơ bản về đất đai, đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.
Các đơn vị thuộc lĩnh vực đất đai cũng đã tham mưu để Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 27/5/2024 xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện Dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở. Hiện tại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét, thẩm định ban hành Nghị quyết này.
Ngoài ra, các đơn vị thuộc lĩnh vực đất đai cũng đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia, phối hợp, nghiên cứu, góp ý kiến đối với 3 dự thảo Nghị định liên quan đến Luật Đất đai 2024 gồm Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì soạn thảo; Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và Nghị định quy định về quỹ phát triển đất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
Về tiến độ xây dựng các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, song song với việc xây dựng các Nghị định, theo ông Mai Văn Phấn, các đơn vị đất đai cũng phải tập trung xây dựng 14 Thông tư, trong đó 4 Thông tư sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8/2024.
Các Thông tư được ban hành có hiệu lực vào ngày 1/8/2024 đã được lấy ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đã tổ chức các hội nghị trực tuyến với Sở Tài nguyên và Môi trường của 63 tỉnh/thành phố để trao đổi, góp ý kiến. Hiện tại, các đơn vị tham mưu đang thẩm định và trình lãnh đạo Bộ ký ban hành.
Đối với nhiệm vụ của các địa phương, ông Mai Văn Phấn cho biết thêm, theo quy định của Luật Đất đai 2024, có 19 nội dung giao cho địa phương ban hành văn bản để tổ chức thực hiện và hiện địa phương cũng đang tập trung các nguồn lực để thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và tại Công điện số 63/CĐ-TTg ngày 26/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai, ngay khi được Quốc hội thông qua, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu nội dung và một số điểm mới, nổi bật của Luật Đất đai 2024.
Ông Mai Văn Phấn nhận định để pháp luật đất đai đi vào cuộc sống, đến từng tầng lớp xã hội, cán bộ thực thi và người dân, công tác tuyên truyền, phổ biến một cách sâu rộng và thiết thực là hết sức quan trọng. Do đó, đối với các địa phương, cần chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật đất đai cũng như học hỏi kinh nghiệm của các nơi khác để sớm có kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai từ Luật, Nghị định, Thông tư và văn bản của địa phương.
Không để xảy ra khoảng trống pháp lý trong quá trình giao thoa
Hiện nay, nhiều địa phương đã sẵn sàng triển khai Luật Đất đai 2024 trên tinh thần không để xảy ra khoảng trống pháp lý trong quá trình giao thoa giữa Luật Đất đai 2014 và Luật Đất đai 2013.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Đất đai 2024 đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức, phương pháp nhằm đưa nhanh Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống.
Đồng thời, rà soát các quy định đã ban hành không còn phù hợp với Luật để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, sớm ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để thi hành Luật Đất đai 2024 theo thẩm quyền được giao.
Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 trên địa bàn với 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Tổ chức xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành để quy định chi tiết các nội dung (19 nội dung) được giao trong Luật Đất đai 2024; tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật.
Còn theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, để triển khai Luật Đất đai 2024 tại địa phương, đặc biệt không để khoảng trống pháp lý trong quá trình thực hiện giao thoa giữa Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp và Ủy ban Nhân dân các huyện phối hợp tuyên truyền, phổ biến các điểm mới của Luật Đất đai 2024 một cách thường xuyên, liên tục.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện kịp thời Luật Đất đai 2024.
Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai chủ trì tham mưu trình Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Nghị quyết về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh; hạn mức và quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; quy định cụ thể điều kiện và diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất; xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất./.