Long An: Sẽ thay thế các cầu sắt lỗi thời bằng cầu bê tông
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An Đặng Hoàng Tuấn, đơn vị sẽ tổ chức khởi công xây dựng đồng loạt các cầu trên tuyến ĐT.831 trong năm 2024 và 2025, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Theo Sở Giao thông Vận tải Long An, hiện trên địa bàn còn nhiều cây cầu sắt, mặt vỉ thép có kết cấu yếu và không phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương. Sở đang thực hiện các dự án xây dựng cầu bê tông mới để dần thay thế các cầu này.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới 6 cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng HL93 để thay thế các cầu sắt, mặt vỉ thép trên tuyến tuyến ĐT.831 đi qua địa bàn huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng (tỉnh Long An), kết nối về các tuyến đường ở biên giới và đi huyện Tân Phước (tỉnh Đồng Tháp); trong đó, cầu Kênh 79 dài hơn 133m, mặt cầu rộng 11m; cầu Kênh 28 dài hơn 87m, mặt cầu rộng 11m; còn lại 4 cầu mỗi cầu có chiều dài gần 60m, mặt cầu rộng 10m.
Dự án này có tổng mức đầu tư gần 287 tỷ đồng; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng gần 1,8 tỷ đồng, xây dựng hơn 209 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An Đặng Hoàng Tuấn, đơn vị sẽ tổ chức khởi công xây dựng đồng loạt các cầu trên tuyến ĐT.831 trong năm 2024 và 2025, dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Riêng cầu Kênh 28 đã được khởi công xây dựng từ cuối tháng 6/2024, tiến độ đến nay đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng.
Bên cạnh đó, trên tuyến đường ĐT.817 đi qua địa bàn các huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Mộc Hóa cũng có 6 cây cầu sắt cần được thay thế. Dự án thay thế các cầu này đã được lập vốn đầu tư công trung hạn, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2025.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục rà soát hiện trạng các cầu sắt còn lại nằm rải rác trên địa bàn các huyện và phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng phương án thay thế. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh Long An để đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Theo Sở Giao thông Vận tải Long An, các cây cầu sắt tồn tại trên các tuyến giao thông có kết cấu yếu, dễ hư hỏng, xuống cấp và không đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp.
Do đó, việc thay thế bằng cầu bê tông có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là trên các tuyến biên giới./.