Long An, Bình Định bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, người lao động

Long An có 123 cán bộ dự kiến đăng ký thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi hưởng chính sách; tổng kinh phí chi trả theo Nghị định 61,5 tỷ đồng; Bình Định có 186 cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi.

Để đảm bảo chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhiều địa phương trong cả nước đang bố trí ngân sách để hỗ trợ.

Bên cạnh đó, nhiều công chức, viên chức đã tình nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc để tạo điều kiện thuận lợi cho sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Long An bố trí ngân sách để hỗ trợ thêm

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, địa phương sẽ bố trí ngân sách để hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, mức hỗ trợ thêm bằng 10% tổng mức hỗ trợ mà cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được hưởng theo quy định tại Nghị định số 177/2024/NĐ-CP hoặc Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Nguồn kinh phí giải quyết chính sách cho cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, kinh phí giải quyết chế độ, chính sách từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn thu hợp pháp khác.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo một phần chi thường xuyên, kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị, nguồn thu hợp pháp khác và nguồn ngân sách hỗ trợ theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên không đảm bảo khả năng cân đối kinh phí giải quyết chế độ, chính sách đối với viên chức và người lao động theo quy định thì xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí theo quy định.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, dự kiến số công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc diện sắp xếp giảm 376 người (các cơ quan, tổ chức, đơn vị khối Nhà nước là 285 người; khối cơ quan Đảng là 91 người).

Đến nay, đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp, dự kiến có 256 người tự nguyện xin thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi với tổng kinh phí chi trả chế độ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ khoảng 250 tỷ đồng; tổng kinh phí tỉnh dự kiến hỗ trợ thêm khoảng 25 tỷ đồng.

Tổng số cán bộ, công chức không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm và dự kiến đăng ký thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi hưởng chính sách theo Nghị định 177/2024/NĐ-CP là 123 người; tổng kinh phí chi trả theo Nghị định khoảng 61,5 tỷ đồng, dự kiến kinh phí tỉnh hỗ trợ thêm 6,15 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, chính sách nhằm hỗ trợ, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc diện sắp xếp, góp phần thúc đẩy hoàn thành tỷ lệ giảm tối thiểu công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của tỉnh, phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP. Đồng thời khuyến khích, động viên cán bộ không tái cử, tái bổ nhiệm do công tác sắp xếp nhân sự đại hội, cá nhân có nguyện vọng nghỉ trước tuổi theo quy định của Nghị định số 177/2024/NĐ-CP.

Bình Định có 186 cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi

Đánh giá cao sự đóng góp, tấm gương tiêu biểu, gương mẫu, ý thức trách nhiệm cao của các cán bộ lãnh đạo tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết sẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời, tốt nhất các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động từ quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bảo đảm quyền lợi chính đáng để họ sớm ổn định cuộc sống với tinh thần không bỏ ai ở lại phía sau trong cuộc cách mạng này.

Đến nay, tỉnh Bình Định có 186 cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ hưu trước tuổi, xin nghỉ công tác chờ nghỉ hưu và xin nghỉ việc để tạo điều kiện cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của tỉnh được thuận lợi; trong đó có 133 người ở cấp tỉnh, 53 người ở cấp huyện và 13 người thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

(Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Trong 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 5 Tỉnh ủy viên gồm ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy; ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; ông Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh và ông Lê Bá Thành, Bí thư Huyện ủy Vân Canh.

8 lãnh đạo còn lại gồm ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương; ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch; ông Sô Y Lũy, Trưởng ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; ông Đặng Hoài Tân, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; ông Nguyễn Quang Đức, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông và ông Ngô Hoàng Nam, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Quy Nhơn.

Theo lãnh đạo tỉnh, nhiều công chức, viên chức làm việc tại các Sở, ban, ngành và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã tình nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc để sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định là cơ quan có số lượng nhiều nhất với 38 người xin nghỉ hưu trước tuổi.

Trong số các cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Bình Định có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, có người còn 7-10 năm công tác. Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định, xin nghỉ hưu trước tuổi dù theo quy định còn đến 9 năm 4 tháng công tác. Ông Trần Thế Bửu - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, sinh năm 1970, ngày nghỉ hưu theo quy định là 1/7/2032, ông Bửu nghỉ hưu trước 7 năm 5 tháng.

Ngoài ra, thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Bình Định đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, cấp ủy cấp huyện; kết thúc hoạt động một số ban chỉ đạo, các đảng đoàn, ban cán sự đảng; tổ chức lại Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; hợp nhất Ban Văn hóa, Xã hội và Ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh thành Ban Văn hóa-Xã hội; hợp nhất và thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh gồm các sở Tài chính; Nông nghiệp và Môi trường; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao, Du lịch; Nội vụ; Dân tộc và Tôn giáo; hợp nhất các đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh... theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn./.