Long An: 59.540 lao động bị giảm giờ làm và ngừng việc tạm thời

Tỉnh Long An đã tập trung giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; hỗ trợ kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động mất việc làm, sớm quay lại thị trường lao động.

Thanh niên, người lao động tham gia tìm việc tại ngày hội kết nối việc làm. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Long An vừa có báo cáo về tình trạng giảm giờ, mất việc và người lao động thất nghiệp của tỉnh năm 2023.

Qua rà soát, tổng hợp từ các địa phương, toàn tỉnh Long An có trên 41.230 lao động bị giảm giờ làm; 18.310 lao động bị ngừng việc tạm thời; có 21 lượt doanh nghiệp xây dựng và báo cáo phương án sử dụng lao động với 2.889 lao động bị mất việc làm, chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, chế biến gỗ, nhựa, in ấn… đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, trực tiếp là công nhân lao động.

Để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người lao động mất việc làm tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thống kê, cập nhật hàng tuần nhu cầu đào tạo lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên ứng dụng Long An Số.

Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay có 34.316 vị trí việc làm có nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tỉnh; tập trung chủ yếu ở các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp ở thành phố Tân An và các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Long An Nguyễn Đại Tánh cho biết Sở giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An tập trung giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia (đạt 99,8%). Hỗ trợ kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động mất việc làm, sớm quay lại thị trường lao động; tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương và 4 phiên trực tuyến kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Qua đó có 135 lượt doanh nghiệp tham gia, với 7.323 vị trí việc làm; 3.910 lao động tham gia, trong đó 1.340 lao động được phỏng vấn.

Trong 11 tháng năm 2023, Trung tâm đã tổ chức tư vấn nghề, việc làm cho 196.553 lượt lao động, giải quyết việc làm cho 28.900 lao động, đưa 430 thanh niên đi làm việc ở nước ngoài.

Đối với người lao động bị mất việc làm ở các doanh nghiệp có xây dựng phương án sử dụng lao động, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An tập trung giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, hỗ trợ họ vượt qua khó khăn trước mắt và đến trực tiếp doanh nghiệp tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm cho trên 500 người lao động mất việc làm, sớm quay lại thị trường lao động.

Dự báo năm 2024, tình hình thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, có tác động tiêu cực đến thị trường lao động trong nước và của tỉnh. Ông Nguyễn Đại Tánh cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã chỉ đạo triển khai các giải pháp trong thời gian tới như: đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định đơn hàng sản xuất.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn cho nhà đầu tư; thực hiện có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp; chú trọng thu hút đầu tư nhất là các tập đoàn quốc tế, có sản phẩm thương hiệu mạnh.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp theo dõi sát tình hình lao động-việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; tăng cường giám sát việc xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động đúng quy định pháp luật, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; tiếp tục phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị mất việc làm, gặp khó khăn./.