Lợi thế năng lượng của Trung Đông có thể thúc đẩy sự phát triển của AI

Trung Đông có tài nguyên dầu mỏ và ánh sáng Mặt Trời dồi dào, trong khi nhiều quốc gia ở đây tích cực phát triển điện hạt nhân, do đó có nhiều lựa chọn để cung cấp năng lượng cho trung tâm dữ liệu.

Các tấm pin tại trang trại điện mặt trời. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Vật liệu đồng thời là thành viên Ban Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Roberto Bocca, nhận định nguồn tài nguyên năng lượng khổng lồ của Trung Đông có thể giúp khu vực này đóng một vai trò then chốt trong cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI), vì công nghệ này dựa vào các trung tâm dữ liệu lớn đòi hỏi lượng điện năng đáng kể.

Trả lời phỏng vấn báo "The National News" của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bên lề Đại hội Tiện ích Thế giới (WUC) diễn ra tại Abu Dhabi ngày 16/9, ông Bocca cho rằng Trung Đông được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên dầu mỏ và ánh sáng Mặt Trời dồi dào", trong khi nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang tích cực hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân, đặc biệt là UAE, do đó có rất nhiều lựa chọn để cung cấp năng lượng cần thiết cho các trung tâm dữ liệu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tổng mức tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu có thể tăng gấp đôi lên 1.000 terawatt-giờ vào năm 2026, tăng từ 460 terawatt-giờ năm 2022.

Trong báo cáo công bố vào tháng 7/2024, IEA cho biết nhu cầu điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 4% trong năm 2024, ghi dấu mức tăng hàng năm cao nhất kể từ năm 2007.

Tại WUC diễn ra từ ngày 16-18/9 tại Abu Dhabi, các quan chức và giám đốc điều hành lưu ý rằng trong khi năng lượng tái tạo đang trở thành một phần lớn hơn trong sản xuất điện, việc mở rộng hoặc nâng cấp lưới điện là rất quan trọng để đảm bảo mọi người có thể tiếp cận được nguồn điện.

Họ cho rằng việc thực hiện các biện pháp hiệu quả năng lượng là rất quan trọng để giảm bớt áp lực lên hệ thống điện, đặc biệt khi nhu cầu làm mát tăng cao.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE Suhail Al Mazrouei nói rằng thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu về nước và điện ngày càng gia tăng, dù là ở Trung Đông, châu Âu hay Mỹ.

Ông Al Mazrouei nhấn mạnh cơ sở hạ tầng cũ kỹ cần được thay thế để phát huy hiệu quả sử dụng. Trong khi đó, ông Jasim Thabet, Giám đốc điều hành Công ty Năng lượng Quốc gia Abu Dhabi (TAQA), cho rằng các mạng lưới truyền tải toàn cầu cần phải "bắt kịp" để hỗ trợ cam kết của Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đạt được mục tiêu tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Theo ông Thabet, việc đạt được các mục tiêu về khí hậu và năng lượng quốc gia sẽ đòi hỏi phải bổ sung hoặc thay thế 80 triệu km đường dây điện trên toàn thế giới vào năm 2040.

Ông nói thêm nhu cầu năng lượng của các trung tâm dữ liệu và AI đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. TAQA đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng 150 gigawatt điện vào năm 2030, từ mức 50 gigawatt hiện nay.

Trong mục tiêu mới này, 65% công suất sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. TAQA cam kết hơn 12 tỷ USD để hỗ trợ lưới điện và quá trình chuyển đổi năng lượng.

Một số quan chức đã cảnh báo về quy mô nhu cầu năng lượng khổng lồ của các các trung tâm dữ liệu và AI trong tương lai.

Theo ông Mohamed Al Hammadi, Giám đốc điều hành Emirates Nuclear Energy Corporation, tổng nhu cầu điện năng trong 6 năm qua của các trung tâm dữ liệu mới do 4 gã khổng lồ công nghệ Mỹ (Meta, Google của Alphabet, Microsoft và Amazon) lắp đặt lớn hơn sản lượng điện của nhà máy điện hạt nhân Barakah đầu tiên của thế giới Arab.

Bốn tổ máy của Barakah sản xuất khoảng 40 terawatt giờ điện mỗi năm./.